(TSVN) – Miền Trung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Nhưng để khai phá hết được những giá trị to lớn này, một trong những giải pháp được đưa ra đó là các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi, với quy mô hợp lý ngành khai thác thủy sản của cộng đồng ngư dân theo hướng bền vững.
Khu vực miền Trung có 14 tỉnh, thành phố, tất cả đều có biển. Trong đó, nhiều tỉnh có địa hình đa dạng, nhiều bãi biển đẹp với rất nhiều đảo, vũng, vịnh, đầm phá hoang sơ, tạo nên lợi thế lớn về phát triển du lịch biển, đảo.
Cùng với đó, các tỉnh ven biển miền Trung còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, lễ hội dân gian, các giá trị văn hóa biển được ghi dấu, lưu giữ trong các tư liệu sinh hoạt và lễ hội độc đáo liên quan đến biển của ngư dân, được thể hiện đậm nét trong đời sống vật chất, tinh thần và sinh hoạt văn hóa. Hơn nữa, đây cũng là khu vực có nhiều tài nguyên xếp vào loại nhất cả nước, là một trong những vùng biển giàu san hô nhất vùng Biển Đông – là nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh và bền vững.
Phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển của cả nước. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bình Định
Miền Trung còn được nhận định là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; là “mặt tiền” của quốc gia, “khúc ruột” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên. Con người miền Trung rất cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, có ý chí và khát vọng vươn lên.
Cùng với đó, nơi đây còn là vị thế chiến lược của trong phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; bởi, khu vực biển miền Trung có vị trí địa lý quan trọng, cửa mở thông thương ra biển, có nhiều vịnh, vũng sâu, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng biển nước sâu, các cảng trung chuyển quy mô lớn, như: Vũng Áng (Hà Tĩnh), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), vịnh Hàn (TP Đà Nẵng), Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa)…
Chính vì vậy, những năm qua, các tỉnh, thành phố miền Trung đều đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển; nhờ đó, diện mạo của vùng miền Trung đã có nhiều thay đổi tích cực và vùng đang trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế.
Và trong cuộc mưu sinh mới ở biển, ngư dân từ ven bờ đến xa bờ ở miền Trung đang dần chuyển dịch để tái cơ cấu, hướng đến tính chuyên nghiệp, bền vững. Những đội tàu lớn hình thành tổ đội hỗ trợ nhau, trang bị công nghệ hiện đại, ứng dụng vệ tinh vươn khơi đánh bắt. Nhiều tỉnh đón đầu ngành nuôi biển, ký kết với các đối tác lớn trên thế giới để chuyển dịch dần từ đánh bắt sang nuôi biển và bảo tồn, phục hồi sinh thái biển. Ở nhiều làng biển, ngư dân bước vào làm dịch vụ du lịch cộng đồng, giải trí biển.
Trong bối cảnh thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nhiều quốc gia và cường quốc trên thế giới đều coi biển, hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, thì việc quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong chiến lược đó, phát triển kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260 km). Do vậy, phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung có thể nói là giữ vai trò quan trọng quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển nói chung, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng.
Nhấn mạnh đến công tác bảo đảm nguồn thu nhập, sinh kế của ngư dân khai thác thủy sản vùng ven biển, theo TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Trung bộ, các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi với quy mô hợp lý ngành khai thác thủy sản của cộng đồng ngư dân theo hướng bền vững. Điều này vừa có thể góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ ngư dân, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt tài nguyên môi trường vùng ven bờ, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng đánh bắt xa bờ, chuyên môn hóa, phù hợp với từng nghề và từng cộng đồng ngư dân. Đối với vùng ven bờ, bãi ngang, các tỉnh cần có chính sách khuyến khích ngư dân đánh bắt ở vùng lộng và khơi với đội tàu phù hợp với kinh nghiệm của ngư dân.
Theo TS Hoàng Hồng Hiệp, cần đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa các công nghệ đánh bắt và bảo quản thủy sản cho đội tàu khai thác xa bờ, nhằm nâng cao hiệu quả mỗi chuyến đi biển. Lưu ý, chính sách phải sát với thực tế, gắn với đặc thù của từng cộng đồng ngư dân, quan tâm cơ chế chính sách về phát triển nhân lực nghề biển, mấu chốt là thuyền trưởng có năng lực, kinh nghiệm vận hành những con tàu hiện đại.
Hồng Hạnh