(TSVN) – Với các ngư dân, ghi nhật ký khai thác điện tử sẽ giúp họ thuận lợi trong quá trình đánh bắt trên biển, khắc phục được những nhược điểm của việc chép nhật ký bằng giấy, qua đó cũng góp phần quan trọng gỡ “thẻ vàng” của EC.
Trước đây, các chủ tàu cá phải chép tay ghi lại hành trình đánh bắt, điều này có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của thông tin trong suốt quá trình ra khơi. Khi sử dụng nhật ký điện tử, họ sẽ không phải ghi chép mà chỉ cần một vài thao tác nhỏ trên thiết bị để hoàn thiện. Các cơ quan chức năng trên bờ dễ dàng nắm bắt được số liệu tàu về cảng, nắm được sản lượng chuyến khai thác của từng tàu. Trên cơ sở đó, sẽ xác nhận nguồn gốc thủy sản, đồng thời xác định được vị trí tọa độ từng con tàu, từng đợt khai thác đối với việc kiểm tra của EC và các nước.
Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được Cục Thủy sản lựa chọn thí điểm ứng dụng nhật ký điện tử trong quản lý hành trình tàu cá. Toàn tỉnh hiện có 3.200 tàu khai thác xa bờ và 100% tàu đi khai thác đã được lắp đặt thiết bị giám sát. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định là cơ quan thường trực quản lý thiết bị giám sát hành trình của ngư dân 24/24 giờ, nhằm phát hiện, xử lý nhanh các trường hợp mất kết nối, vượt ranh giới khai thác cho phép. Ba doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh cũng được thí điểm hệ thống giám sát tàu cá bằng nhật ký điện tử. Trong tháng 9, Sở NN&PTNT Bình Định sẽ triển khai lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá bằng nhật ký điện tử cho 100 tàu cá của ngư dân
Hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký điện tử khai thác thủy sản. Ảnh: Ái Trinh
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, từ kết quả triển khai tại Bình Định có thể tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác, để tất cả hệ thống khai thác thủy sản có được những ứng dụng công nghệ tốt nhất, giúp truy xuất nguồn gốc thủy sản minh bạch.
Đại diện VASEP cho biết, tháng 10 tới đây khi EC sang Việt Nam, đánh giá lại việc chống khai thác IUU thì doanh nghiệp cũng mong muốn sớm đưa vào triển khai sử dụng nhật ký khai thác điện tử rộng khắp các tỉnh, thành để số liệu không bị bấp bênh giữa con số khai thác chép tay và thống kê từ các cơ quan quản lý. Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thu mua ở các vùng nguyên liệu.
Tại Hội nghị tổng kết tháng 8 và triển khai các nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm của Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV đó là phải quyết tâm triển khai bằng được nhật ký điện tử.
Từ các cảng cá, các đồn biên phòng, các trạm đến đâu đều phải cập nhật trên hệ thống đến đó. Nếu vẫn còn giữ thói quen ghi giấy, xong mỗi lần tổng kết lại thống kê ra một số liệu không đồng nhất thì rất khó phân tích, đánh giá. Nhật ký đó cần thống kê minh bạch tàu ra, tàu vào, sản lượng đánh bắt để dễ dàng kiểm soát. Cục Thủy sản mong muốn có sự quyết tâm của các chủ tàu, các nghiệp đoàn nghề cá, các HTX, thuyền trưởng cùng với các Chi cục và Sở NN&PTNT để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị cần rà soát lại, triển khai nhật ký khai thác tàu cá từ cảnh báo đến trực, bộ máy, thiết bị đều gắn với IUU. Việc phối hợp giữa Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư cần phải chặt chẽ; lãnh đạo phải kiên trì, kiên quyết, tập trung tổ chức thực hiện xuyên suốt, cần xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khi chưa bổ sung nhật ký điện tử.
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý tàu cá không còn mới, song để triển khai sâu rộng thì vẫn cần thời gian thích ứng và chuyển đổi, góp phần thay đổi tư duy từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm”.
>> Điều 25 Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản (KTTS), nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản như sau: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký KTTS, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 m theo quy định. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không có, không ghi, không nộp nhật ký KTTS, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 m theo quy định. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không ghi nhật ký KTTS, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m theo quy định, trong trường hợp tái phạm...
Thùy Khánh