T6, 29/03/2024 08:00

Minh Phú và chiến lược khai thác “mỏ vàng tỷ đô”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Không chỉ là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn triển khai chiến lược phát triển thị trường nội địa dồi dào tiềm năng; với mục tiêu để người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng những sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tiềm năng dồi dào

Năm 2024, để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát 4 – 4,5%, khai thác hiệu quả thị trường nội địa được Chính phủ xác định là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2024 và thời gian tới. Bởi với dân số hơn 100 triệu dân, trong đó, tầng lớp trung lưu được đánh giá đang ở mức cao với 20%, Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh lớn cho tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nội địa. Do đó, việc kết nối cung cầu, khuyến khích mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, chính là chìa khóa bảo đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS Nguyễn Đình Thiên nhận định, thị trường nội địa luôn là bệ đỡ cho các doanh nghiệp Việt trong mọi tình huống. Do vậy, cần chú trọng phát triển thị trường này hơn nữa bằng những chương trình kích cầu một cách hiệu quả, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người dân. Năm 2024 phải quan tâm đến thị trường trong nước như là một lực lượng để bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm nay đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng của doanh thu bán lẻ như trên, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có sự khởi sắc ngay từ đầu năm.

Thực tế cho thấy, việc thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ nên nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành mảnh đất đầy tiềm năng thu hút các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư. Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Ishiguro Norihiko thông tin, gần như 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Nguyên nhân là do dân số Việt Nam đang đứng thứ 3 ASEAN và dự đoán sẽ vượt Nhật Bản trong tương lai. Cùng đó, mức thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70% khiến thị trường này có sức hấp dẫn về tiêu dùng.

Chiến lược của “vua tôm” Minh Phú

Là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mỗi năm bán ra khoảng 50.000 tấn tôm, nhưng hơn 99% là xuất khẩu, chỉ 0,5% tiêu thụ trong nước. Lý giải về thị phần khiêm tốn tại thị trường nội địa, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn cho rằng, người tiêu dùng trong nước chưa dám trả tiền cho những sản phẩm chất lượng; trong khi giá tôm xuất khẩu của Minh Phú cao hơn hàng bán lẻ trong nước 10 – 20%.

Nhưng theo ông Quang, đã tới lúc họ cần quay về “sân nhà” bằng cách hợp tác với các đơn vị bán lẻ, đưa hàng chất lượng (không nhiễm chất cấm, kháng sinh) và giá hợp lý tới người tiêu dùng. Để hiện thực hóa chiến lược gia tăng thị phần tại “mỏ vàng tỷ đô” từ thị trường nội địa, Minh Phú đã nghiên cứu thành công và nuôi tôm theo công nghệ sinh học MPBiO, bảo đảm không kháng sinh, không hóa chất nhưng vẫn đạt chất lượng cao và giá thành rẻ. Đây là cơ sở quan trọng để sản phẩm của công ty gia tăng trở lại sự hiện diện ở thị trường nội địa.

Ngày 26/3, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Bách Hóa Xanh đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược để đưa các dòng tôm tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và EU, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hóa chất của Minh Phú vào phân phối trong hệ thống Bách Hóa Xanh. Hợp tác chiến lược này lần nữa là minh chứng cho nỗ lực của nhà bán lẻ trong việc tìm kiếm và cung ứng nguồn nhu yếu phẩm uy tín, chất lượng cao, từ đó nâng tầm bữa cơm gia đình Việt.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Văn Quang, cho biết: “Minh Phú trước nay chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Việc hợp tác với hệ thống uy tín và rộng khắp như Bách Hóa Xanh là cơ hội để chúng tôi đưa con tôm mang chuẩn quốc tế lên bàn ăn Việt. Chúng tôi tin tưởng hợp tác này sẽ giúp cái tên Minh Phú gần hơn với người tiêu dùng trong nước, cũng như cách chúng tôi đã chinh phục thị trường nước ngoài”.

Sản phẩm tôm của Minh Phú bày bán tại Bách Hóa Xanh được thu hoạch từ vùng nuôi của tập đoàn cũng như các hộ nông dân liên kết, cam kết quy trình nuôi thuận thiên, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh và các hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Tôm được đội ngũ cung ứng của tập đoàn giám sát chất lượng từ 2 – 3 lần trước khi thu hoạch.

Với hệ thống 1.700 siêu thị và quy trình chuẩn hóa, Bách Hóa Xanh có đủ năng lực tiếp nhận sản phẩm tôm từ phía Minh Phú theo đúng tiêu chuẩn. Tôm sống sau khi được vớt lên từ ao nuôi sẽ được cho vào nước đá lạnh nhằm giữ trạng thái ngủ đông, giúp tôm được tươi ngọt, chắc thịt và chuyển ngay về kho của Bách Hóa Xanh. Từ đây, tôm sẽ được phân phối đến các siêu thị, bảo quản liên tục trên mâm có nước và đá ở nhiệt độ từ 0 – 40 để đảm bảo chất lượng khi đến tay khách hàng.

Ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh kỳ vọng, sự hợp tác sẽ giúp tiêu thụ hơn 3.000 tấn tôm/năm trên toàn bộ hệ thống với những sản phẩm tươi ngon, có chất lượng tương đương với sản phẩm đang bán cho người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ hay châu Âu. 

Được biết, trước khi ký kết chiến lược phân phối tôm cho Minh Phú, Bách Hóa Xanh đã tiêu thụ khoảng 1.300 tấn tôm của Minh Phú, doanh thu đạt khoảng 220 tỷ đồng trong 6 tháng vừa qua. Trong năm 2024, Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu phân phối khoảng 3.000 tấn tôm của Minh Phú, doanh thu kỳ vọng là 500 tỷ đồng.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!