T6, 02/02/2024 08:00

Mô hình TLSS-547 Công ty Thăng Long, hiệu quả không ngờ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với lợi thế chi phí đầu tư thấp, diện tích ao nuôi chiếm tỷ lệ cao, dễ vận hành, có thể nuôi tôm về kích cỡ lớn với giá thành thấp…; mô hình ao nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt bờ và đáy lưới (mô hình TLSS-547) không chỉ giúp nhiều hộ nuôi tôm khu vực ĐBSCL vượt qua khó khăn của năm 2023 mà còn thu được lợi nhuận cao.

Cán bộ kỹ thuật của Thăng Long luôn sát cánh cùng ông Ân để mô hình ngày một hoàn thiện và hiệu quả hơn. Ảnh: XT

Trước sức hấp dẫn từ sự thành công của mô hình lót bạt, tưởng chừng như mô hình đáy lưới, bạt bờ đã chìm vào quên lãng thì trong chuyến công tác về xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An dịp đầu năm 2024, chúng tôi bất ngờ nhận ra vẫn có một người kiên trì cùng Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long thực hiện mô hình này với tên gọi mới: Mô hình TLSS-547 rất thành công trong nhiều năm gần đây. 

Mấy năm gần đây, ông Lê Ngọc Ân (quê gốc tỉnh Phú Yên), nhưng ông có thâm niên 22 năm, gắn bó với nghề nuôi tôm, trên nhiều đồng đất thuộc hàng khó nuôi của tỉnh Long An. 

Ông Ân 61 tuổi, hiện đang sở hữu 10 khu nuôi tôm, với tổng diện tích trên 35 ha, rải rác tại các xã trong huyện Cần Giuộc. Do đã từng nuôi tôm tại nhiều vùng khác nhau của tỉnh Long An, nên ông Ân hiểu rất rõ thổ nhưỡng của vùng đất này. 

Chỉ cho chúng tôi xem 1 ao chứa nước nổi váng phèn vàng khè, ông Ân kể: “Vùng Cần Giuộc này rất khó nuôi tôm, vì xa nguồn nước và đất nhiễm phèn rất nặng, nên hầu hết ao nuôi tôm lót bạt đều thất bại. May mắn, chỉ có mô hình nuôi TTCT ao lót bạt bờ và đáy lưới của tôi là thành công và ổn định nhất. Không nói đâu xa, ngay vụ nuôi năm 2023 được xem là rất khó khăn, nhưng tôi cũng thu hoạch được hơn 400 tấn tôm, đâu có ít”. 

Điểm khác biệt giữa các ao lót bạt đáy và một số ao đáy lưới, mà tôi từng biết là ao đáy lưới của ông Ân rất sâu, trung bình từ 2,5 – 3 m, ấn tượng nhất là cái vèo nhỏ xíu được đặt ngay trong ao nuôi. 

Thấy tôi tròn mắt nhìn cái vèo, ông Ân cười đắc chí, giải thích: “Cái vèo này là tôi bê nguyên mẫu hồ ương con giống, từ trại sản xuất tôm giống ngoài Phú Yên vô. Dù cái vèo rất nhỏ, nhưng vẫn đầy đủ ôxy đáy. Tôi áp dụng quy trình ương nuôi, không khác gì các trại sản xuất tôm giống, với mật độ ương lên đến 10.000 con/m²”. 

Ông Ân nói rõ thêm: Thức ăn được sử dụng cho giai đoạn này là loại thức ăn đặc biệt hiệu Beike Su, có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp tôm dễ dàng tiêu hóa và hấp thu tối đa, nên trong suốt thời gian vèo (7 – 10 ngày), không cần phải xiphong. 

Việc thiết kế ao vèo ngay trong ao nuôi theo ông Ân là rất tốt, vì nó giúp cho nhiệt độ nước trong vèo không bị biến động. Nguồn nước cấp thêm cho vèo, cũng được lấy trực tiếp từ ao nuôi này (đã qua xử lý), nên khi đưa tôm ra ao nuôi, tôm sẽ không bị sốc. Thời gian ương tôm chỉ khoảng 7 – 10 ngày, vì theo ông Ân, nếu để lâu hơn sẽ hao hụt rất lớn, do tôm ăn thịt lẫn nhau. 

Trở lại với cái lợi của ao nuôi đáy lưới, bạt bờ, theo ông Ân: Đây là mô hình có chi phí đầu tư rất thấp, dễ vận hành. Chỉ cần được hướng dẫn qua là người nuôi tôm nào cũng có thể thực hiện được, nhưng năng suất thì không hề thua kém các mô hình lót bạt. 

Ông Ân cho biết thêm: “Đây là mô hình không thay nước, mà chỉ cấp bù sau mỗi đợt xiphong, nên diện tích ao nuôi có thể nâng lên gấp 3 – 4 lần diện tích ao chứa nước. Còn chi phí tiền lót lưới, tính ra chỉ khoảng 3 triệu đồng/1.000 m², trong khi nếu lót bạt ít gì cũng 20 – 30 triệu đồng. Hơn nữa, mô hình chủ yếu chỉ sử dụng quạt để tạo ôxy và dòng chảy. Tính ra tiền điện rất thấp, dù mật độ nuôi có thể lên đến 200 – 300 con/m². Điều quan trọng của mô hình này là phải có được nguồn vi sinh tốt, để môi trường ao nuôi luôn được trong sạch, thì tôm sẽ không thể bị dịch bệnh tấn công”. 

Tôi đếm tổng cộng, có đến 8 dàn quạt trong ao nuôi diện tích 3.000 m². Đúng như cảm nhận ban đầu của tôi, khi nghe ông Ân bộc bạch: “Sử dụng quạt nhiều, cộng với ao sâu 3 m, cho nên dù có thả nuôi với mật độ 300 con/m², thì vẫn đảm bảo lượng ôxy hòa tan. Đặc biệt là đáy ao luôn rất sạch, vệ sinh rất dễ sau khi thu hoạch”. 

Với mô hình ao nuôi tôm thẻ chân trắng đáy lưới, bạt bờ nói trên, đã giúp ông Ân tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, sản lượng tôm nuôi ở mức cao, giá thành tôm nuôi rất thấp. 

Ông Ân phấn khởi tâm sự: “Năm 2023, tuy giá đầu vào cao, nhưng kể cả tính đúng, tính đủ hết mọi chi phí, thì giá thành tôm loại 30 con/kg, cũng chỉ vào khoảng 100.000 – 105.000 đồng/ kg. Dù giá tôm rất thấp, mô hình nuôi tôm của tôi vẫn có lời, tất nhiên không cao như những năm trước. Mô hình này, tôi thực hiện cùng với Công ty Thăng Long nhiều năm rồi và đã thành công. Chắc chắn, tôi sẽ còn gắn bó với mô hình này, với Công ty Thăng Long lâu dài hơn nữa”. 

Xuân Thiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!