Một số quy trình công nghệ phục vụ nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong gian đoạn 2020 – 2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III hỗ trợ chuyển giao ứng dụng của một số kết quả nghiên cứu đề tài cho các địa phương và doanh nghiệp.

– Quy trình sản xuất giống giun nhiều tơ đảm bảo an toàn sinh học được xây dựng từ Dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm giun nhiều tơ Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube, 1857) quy mô hàng hóa làm thức ăn nuôi vỗ tôm bố mẹ”. Các chỉ tiêu kỹ thuật của quy trình: tỷ lệ sống đến con giống (≥ 1,5 cm) ≥ 20%; năng suất  ≥ 15.000 con/m2; > 80 vạn giun giống/đợt sản xuất. Dự án được hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ cho 2 công ty, doanh nghiệp tại Khánh Hòa và Ninh Thuận để mở rộng phát triển sản xuất, nhằm cung cấp ra thị trường số lượng lớn giun nhiều tơ phục vụ khâu nuôi vỗ tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) trong quy trình sản xuất các loại tôm này. 

– Quy trình sản xuất giống cá mú trân châu được xây dựng từ đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú cọp cái và cá mú nghệ đực (♀ Epinephelus fuscoguttatus x ♂ E. lanceolatus) tại Khánh Hòa”, đã được chuyển giao cho 5 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong năm 2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã phối hợp với doanh nghiệp để chuyển giao quy trình thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. 

– Quy trình sản xuất giống tôm đất thuộc đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi vỗ thành thục và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống tôm đất (Metapenaeus ensis) – tỉnh Trà Vinh” cho 2 đơn vị tại tỉnh Trà Vinh, với số lượng giống sản xuất là hơn 2 triệu PL20 và tập huấn cho 25 người dân về quy trình sản xuất giống tôm đất. 

– Quy trình nuôi thương phẩm cá mú trân châu trong ao đất đang chuyển giao cho 1 doanh nghiệp phối hợp tại tỉnh Bến Tre để thực hiện mô hình. Đây là mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm nuôi trong ao đất đầu tiên thực hiện tại tỉnh Bến Tre. 

– Chuyển giao công nghệ nuôi thương phẩm sá sùng: Năm 2023, mô hình nuôi thương phẩm đang triển khai tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên với 4 mô hình nuôi: 2 mô hình nuôi ghép sá sùng với tôm thẻ chân trắng và 2 mô hình nuôi sá sùng (nuôi đơn). Kết quả đã thu hoạch tôm thẻ chân trắng với năng suất trung bình 1.600 kg/ mô hình (2.000 m2). Tôm phát triển bình thường (60 con/kg) đạt yêu cầu theo hợp đồng ký kết. 

– Chuyển giao quy trình nuôi cua lột trong hệ thống tuần hoàn bằng thức ăn công nghiệp cho Công ty CP Bá Hải ở Phú Yên. 

– Chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá mú dẹt cho 2 doanh nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. 

– Chuyển giao công nghệ nuôi thương phẩm nuôi tôm hùm trong hệ thống RAS bằng thức ăn công nghiệp tại tỉnh Phú Yên. 

VIỆN NGHIÊN CỨU NTTS III

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!