(Thủy sản Việt Nam) – Năm nay, điềm lành dường như đến sớm hơn với ngư dân. Biển lặng, sóng yên, những ngày đầu xuân Tân Mão, ngư dân ra khơi được biển ban “lộc” nhiều hơn, chuyến đi biển của ngư dân ngắn hơn và thuyền về đầy ắp cá.
Tấp nập ra khơi
Những ngày sau Tết Nguyên đán, trời như chiều lòng người, gió lặng, biển êm, các vùng biển lại nhộn nhịp hẳn lên khi ngư dân hối hả chuẩn bị cho hành trình “đón lộc biển”. Không kể những tàu bám biển từ trước Tết, còn hầu hết các vùng biển, ngư dân đều làm lễ ra khơi vào ngày mồng 4 tháng Giêng.
Sáng mồng 4 Tết, ngư dân cửa biển Cổ Lũy thuộc hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bắt đầu mở biển. Đông đảo ngư dân và người dân khắp nơi kéo về để chứng kiến lễ mở biển. Đối với ngư dân, cá Ông luôn được coi là vị thần đặc biệt quan trọng, phù hộ và cứu vớt cho họ. Do vậy, trước ngày mở biển, nhiều ngư dân tắm gội sạch sẽ, đến quỳ lạy và cầu nguyện cho những chuyến biển bình an.
Cũng ngày mồng 4 Tết, ngư dân vùng biển Thanh Hóa tập nập làm lễ “Thấm”, chuẩn bị và tổ chức những chuyến ra khơi đầu năm. Lễ “Thấm” gắn liền với buổi xuất quân tìm lộc đầu năm, là tục lệ đã có từ lâu đời của ngư dân Thanh Hóa. Là ngày mà những người đi biển kính cáo trời đất, những mong trời yên bể lặng để các chuyến đi biển trong năm được an lành. Trong lễ không thể thiếu được các loại lễ phẩm là hoa quả, trầu rượu, vàng hương, xôi, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt… Theo quan niệm của ngư dân nơi đây, gà biểu trưng cho sức mạnh, nhạy cảm, còn vịt thì chuyên mò cua, bắt cá, rất gần với nghề đánh bắt của ngư dân. Làm lễ “Thấm” xong, các tàu nổ máy chạy thẳng ra khơi đánh bắt mẻ cá đầu tiên.
Đầu xuân, ngư dân Tĩnh Gia, Thanh Hóa phấn khới “nhận lộc” biển Ảnh: Đức Lợi
Và trong những ngày đầu năm này, ngư dân ở các xã ven biển Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) đang đầy ắp niềm vui vì những chuyến biển đầu năm thắng lợi. Các loại cá vùng đặc sản bãi ngang như cá lụ, cá xóc, cá rựa, cá thu… được ngư dân đem vào từ biển như một món quà xuân khiến ai cũng phấn khởi. Theo quan niệm của ngư dân nơi đây, thì ngày Tết mà có một con cá tươi về cúng cơm cho ông bà là năm đó dân biển sẽ làm ăn dư dả.
Về quê “nhận lộc”
Năm nay, biển cả “ban lộc” cho ngư dân đều hơn, vùng biển nào cũng đầy ắp cá, nên chuyến đi biển của ngư dân gần hơn. Nhiều tàu đã lại trở về vùng biển quê nhà để khai thác.
Mấy năm trước, để có cá, ông Nguyễn Lực ở xã Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải dong tàu đi đánh bắt nhiều nơi. Năm nay cá nhiều, ông cho tàu đánh bắt ngay trên biển Quảng Ngãi vẫn trúng lớn. Trung bình mỗi ngày, tàu ông đánh được 5 tấn cá – cao nhất từ trước đến nay, nên 10 ngày qua, mỗi lao động của ông thu nhập 50 triệu đồng. Không riêng ông Lực, cả trăm tàu thuyền xã Bình Đông cũng quay về biển quê nhà đánh bắt và hầu hết đều trúng. Năm nay, cá ở Quảng Ngãi nhiều, nhất là cá nhám và cá ngừ. Trung bình mỗi ngày tại cảng cá Sa Cần, xã Bình Đông, các tàu đưa về trên 100 tấn cá, con số kỷ lục trong khoảng mấy năm gần đây.
Tại Quy Nhơn (Bình Định), hàng loạt tàu thuyền cũng quay về khai thác trên biển quê hương và tàu nào cũng trúng. Hai anh em anh Phạm Thanh Hạ và Phạm Thanh Thu (Quy Nhơn) làm nghề giã cào là những người trúng lớn. Trung bình mỗi ngày, họ lãi 100 triệu đồng từ cá hố xuất khẩu và các loại cá khác có thể chế biến chả cá. Mỗi lao động trên tàu thu nhập 3-5 triệu đồng/ngày.
Lộc biển đầu xuân
Ngày trở về đầu năm của ngư dân Tuy Hòa (Phú Yên) ngập tràn niềm vui, khoang tàu nào cũng đầy cá, từ 1-1,5 tấn cá, có tàu thắng lợi khi cập bến với 2-3 tấn cá, trung bình mỗi tàu lãi vài chục triệu đồng, mỗi lao động được chia từ 4-5 triệu đồng.
Sau Tết Tân Mão, nhờ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân Quảng Ngãi được mùa đánh bắt hải sản, với đủ các loại như cá chim, cá thu, cá cơm… Đặc biệt, lượng cá chuồn đánh bắt được rất lớn. Bình quân mỗi thuyền có công suất dưới 90 CV, mỗi đêm đánh bắt được từ 2-3 tấn cá cơm trắng. Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, toàn huyện có hơn 2.100 tàu thuyền, trong đó hơn 1/3 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Chỉ tính riêng thời điểm sau tết, bà con ngư dân huyện Đức Phổ đã đánh bắt được hơn 1.500 tấn hải sản các loại.
Tại vùng biển Sa Kỳ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), phiên chợ mua bán nhộn nhịp diễn ngay trên khoang tàu. Một niềm vui không nhỏ trong những ngày đầu xuân khi cá cơm trúng “kép”, vừa trúng mùa vừa được giá. Mùa biển đầu năm nay, hầu hết các tàu chỉ cần đi 20-25 hải lý là đầy ắp cá.
Còn theo thống kê của Ban phụ trách ngành nghề xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh), toàn xã hiện có 155 tàu thuyền đánh bắt hải sản thì khoảng 40 thuyền đi lộng và hơn trăm tàu xa khơi. Sau 6 ngày xuất quân, sản lượng đánh bắt ước đạt trên 20 tấn.
Tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), mấy ngày gần đây, tàu neo đậu bán cá khá đông, mỗi ngày ít nhất cũng trên dưới 100 tấn hải sản qua cảng. Không chỉ có tàu lớn, mà cả tàu nhỏ làm gần bờ cũng được mùa. Có tàu nửa ngày ra biển mà đưa về gần 1 tấn cá, có chiếu một đêm đánh được hơn 1 tấn cá nục, cá ngân.
Nhưng có lẽ vui nhất vẫn là những chuyến tàu mang cá từ Hoàng Sa trở về ở vùng biển Sa Kỳ, bởi nơi đó đã gần một năm nay, ngư dân làng chài này bị “cấm”. 5 chiếc tàu với 30 bạn chài của Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) ra khơi trong những ngày cuối năm gió to sóng dữ. Và rồi họ trở về ngay trong những ngày đầu năm trong niềm hân hoan của cả làng chài với những khoang thuyền đầy ắp cá.
Lâu lắm rồi, ngư dân mới lại được biển cả “hậu đãi” như vậy. Lộc biển đầu năm tràn ngập các vùng biển như một sự bù đắp cho những khó khăn chồng chất của những năm trước đây. Mong rằng, người dân vùng biển cứ mãi được biển ưu ái như vậy, để cuộc sống của họ sẽ dần bớt khó khăn.
Theo Đề án Khai thác hải sản đến năm 2020, thì đến thời điểm này, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt từ 2,2 triệu tấn/năm (vùng biển gần bờ từ 0,6 – 0,7 triệu tấn, xa bờ từ 1,4 – 1,5 triệu tấn). Ổn định đội tàu khai thác hải sản với tỷ trọng phân bổ theo các nhóm nghề: lưới kéo 30%, câu 18%, lưới rê 18%, lưới vây 12% và các nhóm nghề khác chiếm 20%; Duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 1,2 – 1,3 triệu người, trong đó khoảng 0,6 triệu người làm việc trực tiếp trên tàu. Nâng thu nhập bình quân của ngư dân lên gấp 2,5 lần so với hiện nay. Phổ cập kiến thức cơ bản về bảo vệ nguồn lợi, kỹ năng làm việc trên tàu cá cho 60 – 80% ngư dân. 100% thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo và cấp bằng; Cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản, bao gồm đưa vào sử dụng 39 cảng cá, bến cá; 13 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng và 62 khu neo đậu tránh trú bão cấp địa phương, mạng lưới đóng sửa tàu với công suất đóng mới 3.000 chiếc/năm; sửa chữa 30.000 chiếc/năm…
Hồng Hà