Bằng sự sáng tạo, nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, tạo ra những sản phẩm sạch, có ưu thế cạnh tranh.
Tổ chức nuôi cá hồi lớn nhất thế giới
Nuôi cá hồi dựa trên nền tảng tạo giá trị sạch ở Na Uy – Ảnh: Global Salmon
Cermaq là một tổ chức nuôi cá hồi lớn nhất thế giới. Tổ chức này có trụ sở tại Oslo, Na Uy cùng một chuỗi chi nhánh hoạt động tại Chile, Canada, tập trung vào sản xuất cá hồi Đại Tây Dương và cá hồi vân. Mọi nhiệm vụ và hoạt động của Cermaq dựa trên nền tảng tạo giá trị sạch thông qua nuôi trồng thủy sản bền vững. Bằng cách này Cermaq chiếm được vị trí cạnh tranh tốt và tận dụng lợi thế của nhu cầu sản phẩm nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng để mở rộng sản xuất. Với đội ngũ trên 4.400 nhân viên, hàng năm Cermaq đã sản xuất được số lượng lớn cá hồi để cung cấp ra thị trường. Trong năm 2014, Cermaq bán ra thị trường 136.700 tấn cá bỏ ruột, chiếm 6% thị phần cá hồi trên toàn thế giới, đạt doanh thu hoạt động tổng cộng 5,6 tỷ NOK (638,4 triệu USD).
Trang trại cá nổi khổng lồ
Một công ty kiến trúc ở Barcelona, Tây Ban Nha xây dựng trang trại nuôi cá kết hợp trồng rau nổi khổng lồ trên mặt nước. Với diện tích khoảng 204.386 m2 bao gồm trang trại nuôi cá kết hợp với trồng rau bằng phương pháp thủy canh, mỗi năm trang trại này sản xuất được khoảng 8 tấn rau và 1,7 tấn cá.
Mô hình trại nuôi cá ở Barcelona, Tây Ban Nha – Ảnh: gizmag
Trang trại này được neo chặt vào các trụ ở dưới đáy biển hoặc sông, hồ và có thể di động bằng tàu kéo; được thiết kế với các tấm pin mặt trời lớn, lắp đặt trên mái để cung cấp năng lượng sạch. Ngoài ra, trang trại còn có máy khử muối trong nước biển để phục vụ hoạt động sơ chế và bảo quản ở tuabin gió và các máy chuyển đổi sóng biển thành năng lượng để duy trì hoạt động. Tuy cần một chi phí khổng lồ để xây dựng và duy trì hoạt động, song James Quinn – giáo sư về khoa học môi trường và chính sách tại Đại học California cho rằng đây là mô hình hoàn toàn khả thi và sẽ hiệu quả hơn nếu được xây dựng gần các khu nghỉ dưỡng cao cấp để sản phẩm có thể bán vào nhà bếp cao cấp và xuất hiện trên các bữa ăn của giới thượng lưu.
Mô hình nuôi cá siêu sạch
Cá tại trang trại Lowa’s first – Ảnh: Lowa’s first
Nuôi cá trong hệ thống dòng chảy nhân tạo ở trang trại Lowa’s first ở bang Lowa nước Mỹ đã được tổ chức khoa học quốc gia cấp bằng sáng chế. Hệ thống nuôi này cho phép hoạt động nuôi trồng thủy sản thân thiện và bền vững để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao. Với thiết kế để hai dòng nước chảy đối lập tạo ra khí nén ở mỗi bên của bể bằng 3 máy thổi 40 hp có tác dụng cung cấp lượng ôxy dồi dào. Nước trong hệ thống nuôi được luân chuyển tuần hoàn. Từ dòng chảy ra khỏi bể nuôi, chất thải rắn được đẩy vào các rãnh thoát nằm phía dưới của mỗi bên trong các bồn chứa, nước đi đến hệ thống lọc sinh học với hàng ngàn bit nhựa có chứa vi khuẩn cá thân thiện. Sau đó, nước tinh khiết được phân bố trở lại bể nuôi. Điều này kích thích cho cá bơi lội ngược dòng. Chuyển động bơi liên tục này giúp cá chuyển hóa thức ăn và hấp thu tốt protein, tăng trưởng nhanh. Hiện, trang trại có 18 bể nuôi thương phẩm cá chẽm và 72 bể ương cá giống. Cá chẽm 0,6 – 0,7 cm, sau 8 tuần ương cá đạt cỡ cá giống và chuyển vào hệ thống nuôi thương phẩm. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng xấp xỉ 1 kg và có thể thu hoạch.
>> Sử dụng sản phẩm sạch đang là xu thế chung của thị trường các nước. Vì vậy, cùng với gia tăng sản lượng thì nhân rộng mô hình nuôi thủy sản bền vững, tạo sản phẩm sạch là hết sức cần thiết. |