(TSVN) – Mô hình nuôi tổng hợp thủy sản dưới tán rừng ngập mặn tại Bình Định không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế cho người dân mà còn bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và kết hợp với du lịch sinh thái, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai thực hiện mô hình nuôi tổng hợp các loài thuỷ sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái với quy mô 10.000 m², tại ao nuôi anh Trương Hữu Tâm, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Ưu điểm của hình thức nuôi này là tạo ra chất lượng tôm, cua, cá thương phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và du khách, tạo tiền để để hướng đến phát triển theo hướng sinh thái cho các sản phẩm thủy sản, không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn mang tính ổn định về môi trường, xã hội và phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Nuôi ghép tổng hợp hướng đến bảo vệ môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tham gia mô hình, anh Tâm được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu để triển khai. Đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình thực hiện mô hình với các biện pháp kỹ thuật quan trọng như: Cải tạo ao, xử lý, gây màu nước, thả giống, chăm sóc quản lý,….
Theo đó, với quy mô 10.000 m2, anh Tâm tiến hành thả 143.000 con giống tôm sú PL15, 1.000 con cá dìa giống kích cỡ 6 – 10 cm/con và 2.000 con cua xanh giống kích cỡ 2 – 2,5 cm/con. Sau khoảng 5 tháng nuôi, tôm, cua, cá sinh trưởng phát triển rất tốt, lớn nhanh, không xuất hiện bệnh. Tỷ lệ sống của tôm sú đạt 60%, cua xanh 40% và cá dìa 82%, kích cỡ thương phẩm tôm sú 20 g/con, cua xanh 250 g/com, cá dìa 300 g/con, ước tính tổng sản lượng đạt 1.773 kg (tôm sú 1.287 kg, cua xanh 200 kg, cá dìa 246 kg). Nhờ vậy lợi nhuận mang lại cho gia đình anh Tâm hơn 125 triệu đồng/ha.
Tôm sú thương phẩm.
Anh Tâm, cho biết: nuôi tổng hợp tôm, cua, cá thì dịch bệnh ít, mỗi năm lợi nhuận mang lại không bằng so với nuôi chuyên tôm nhưng bền vững, không phải lo thua lỗ do dịch bệnh. Do không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi nên tạo ra sản phẩm sạch, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nuôi ghép tổng hợp sẽ thu hoạch sản phẩm theo cách đánh tỉa thả bù, thu tỉa đối với những đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm, vì vậy việc thu hoạch có thể diễn ra quanh năm, phục vụ nhu cầu của thị trường. Đối với những du khách muốn đến đây trải nghiệm du lịch sinh thái, thì sẽ được đưa đón đến tận ao nuôi trải nghiệm cảnh sông nước, cây ngập mặn, chèo sup, tự tay thả lưới, câu cá. Sau đó chế biến, tận hưởng những sản phẩm vừa đánh bắt ngay trong ao nuôi.
Việc khai thác được tiềm năng, lợi thế của rừng ngập mặn gắn với nghề nuôi trồng thủy sản, sẽ tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, việc tạo ra các sản phẩm an toàn sẽ giúp người dân có cơ hội phát triển sản phẩm tôm sạch, tôm sinh thái, nâng cao thu nhập bền vững.
Hiện tại, Bình Định hiện có nhiều vùng nuôi có thể nhân rộng mô hình nuôi ghép tổng hợp, như các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước), xã Cát Minh (huyện Phù Cát), xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) hoặc những vùng nuôi khác có cây ngập mặn bên trong ao hoạch xung quanh bờ ao. Khi rủi ro do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ngày càng gia tăng, mô hình nuôi ghép tổng hợp dưới tán cây ngập mặn kết hợp với phát triển du lịch sinh thái ngày càng khẳng định được tính bền vững, thân thiện và thích ứng với môi trường, nhờ bảo vệ tốt cây ngập mặn mà mô hình này được xem là biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới, tăng hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi phù hợp cho người dân, vừa giúp có thêm thu nhập, bảo vệ môi trường ao nuôi, vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, phát triển nghề nuôi ổn định, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mỹ Lầm