Mở rộng tín dụng cho vay xuất khẩu: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi có quyết định của Bộ Tài chính về dự thảo Nghị định sửa đổi, các đối tượng được bổ sung trong danh sách vay vốn tín dụng là những doanh nghiệp dùng vốn mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ vì độ trễ chính sách.

Thêm ưu đãi

Tại dự thảo bổ sung Nghị định 75/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính nêu rõ đối tượng ưu tiên được vay vốn tín dụng xuất khẩu và điều kiện kèm theo. Theo đó, đối tượng được vay phải có hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng bán thủy sản cho doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu; có phương án nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu có hiệu quả được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thẩm định và chấp thuận cho vay; có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ. DN phải thực hiện đầy đủ quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật hiện hành; phải mua bảo hiểm tài sản tại một DN bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn.

DN cũng phải thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính đúng quy định pháp luật; báo cáo tài chính hằng năm phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán độc lập. Mức cho vay tối đa bằng 85% tổng nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi thuỷ sản phục vụ xuất khẩu theo phương án đã được VDB thẩm định và chấp thuận, mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi đối tượng được vay không quá 15% vốn điều lệ thực có của VDB. Thời hạn cho vay của từng khoản vay không quá 12 tháng. Nếu DN bị lỗ trong năm 2011 và 2012 sẽ được gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng.

Trước đó, đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, vốn tín dụng tiếp tục hạ phù hợp mức giảm lạm phát; hỗ trợ và tăng tín dụng với khu vực nông nghiệp, nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ gia hạn thời hạn cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với DN xuất khẩu đến hết 31/12/2013.

Trong khi một số ngân hàng cho rằng các DN xuất khẩu, trong đó có DN thủy sản, được ngân hàng ưu tiên hàng đầu không hẳn vì thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mà vì đây là nhóm khách hàng an toàn, tín dụng ít rủi ro hơn thì dự thảo bổ sung Nghị định 75/2011/NĐ-CP tiếp tục là hỗ trợ pháp lý giúp DN sản xuất.

 

Tiếp cận vốn vẫn khó

Năm 2013, ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng 5% với giá trị xuất khẩu 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên những khó khăn về thị trường xuất khẩu thu hẹp, rào cản thương mại, vấn đề kỹ thuật, thiếu vốn, cạnh tranh không lành mạnh… khiến xuất khẩu thủy sản vẫn đang khó khăn. Chính sách về tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cũng làm DN bớt lao đao; tuy nhiên, theo nhiều DN, chính sách nào cũng phải có độ trễ nhất định, không dễ đi ngay vào cuộc sống.

Nhiều doanh nghiệp vẫn nằm ngoài chính sách vay vốn – Ảnh: Huy Hùng

Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản tại An Giang nói: “Nếu chỉ trông vào vốn hỗ trợ từ Nhà nước thì chúng tôi cạn vốn lâu rồi. Từ lâu công ty chúng tôi đã có chiến lược kinh doanh riêng, không phụ thuộc vốn ngân hàng. Vấn đề cá tra bây giờ đã như một sân bóng không trọng tài. DN không còn tài sản thế chấp và đủ điều kiện vay vốn nữa, theo dự thảo để được vay, DN phải có phương án nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu hiệu quả được VDB thẩm định và chấp thuận cho vay. Không phải DN nào cũng đáp ứng đủ yêu cầu này, nên việc tiếp cận nguồn vốn còn xa vời.

Một giám đốc công ty thủy sản tại Vĩnh Long bức xúc: Sản xuất cá tra lúc nào cũng gắn với nguồn vốn, từ người nuôi cá tới DN. Tuy nhiên, người nuôi giờ đây “bỏ hầm, treo ao” nhiều do thua lỗ, khiến DN phải tự nuôi hoặc liên kết với người nuôi. Nguồn vốn vay chiếm 70 – 80% trong quá trình nuôi. DN nào cũng phụ thuộc ngân hàng, nếu có thêm nguồn vay mới cho đối tượng như các DN sẽ tạo thêm nguồn lực hỗ trợ. Tuy nhiên, tiếp cận vốn từ các ngân hàng luôn là rào cản khi DN không đủ điều kiện (có tài sản đảm bảo nợ vay, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định…) cộng với một chính sách triển khai luôn có độ trễ. Nhiều DN vẫn nằm ngoài chính sách, có hay không có ưu đãi về vốn thì DN vẫn không trông chờ nhiều vào nguồn vốn này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết: Do nguồn vốn trong nuôi trồng thủy sản ngày càng lớn nên dự thảo ra đời là kênh vốn cho DN tiếp cận thêm, sẽ giúp DN duy trì hoạt động sản xuất, nuôi trồng, ổn định nguồn nguyên liệu, tránh đứt mạch tín dụng.

Trong bối cảnh ngành thủy sản đang gặp khó khăn thì những chính sách về tín dụng sẽ tháo gỡ phần nào một trong những khó khăn này. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ra sao, mức độ thế nào, mới là điều DN quan tâm.

>> Các doanh nghiệp đều có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng khó vay, vì không đủ tài sản thế chấp, hạn mức còn thấp. Để nguồn vốn đến với người nuôi và doanh nghiệp dễ dàng hơn, cần phân loại DN làm nhiều nhóm để có chính sách cho vay cụ thể từng nhóm.

Nguyễn Tuyết

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!