(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 19/10/2010, chiếc tàu mang tên Thành Long TG69920 nhổ neo từ Cồn Long (nay là phường Tân Long, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) ra khơi đánh cá, mang theo 11 thành viên, trong số này, hơn một nửa đã có vợ con. Những người phụ nữ ở nhà ngày đêm nước mắt ngắn dài, mòn mỏi ngóng trông. Một năm rưỡi đã trôi qua, con tàu vẫn như bóng chim tăm cá.
“Ổng sắp về phải hôn?”
Cù lao Tân Long là một trong 4 cù lao trên sông Tiền, được dân gian đặt tên theo nhóm “tứ linh” là Cồn Long, Cồn Lân (cù lao Thới Sơn), Cồn Quy (cù lao Tân Quy), và Cồn Phụng (cù lao Tân Vinh).
Trong số “tứ linh” này, Cồn Long chỉ cách TP Mỹ Tho một chuyến phà ngắn và từng được mệnh danh là “vương quốc” tàu cá khi có thời điểm đội tàu Tân Long lên đến gần 500 chiếc, từng mang về hàng chục ngàn tấn hải sản các loại mỗi năm. Nhưng đó là thời điểm những năm 90 (thế kỷ XX) trở về trước. Bây giờ, Tân Long chỉ còn vài chục chiếc tàu hoạt động cầm chừng, phần vì đánh bắt khó khăn, phần vì nhiều rủi ro, nguy hiểm. Những cơn bão, những chuyến tàu mất tích bí ẩn khiến hàng trăm chiếc tàu bị rao bán, hàng ngàn ngư phủ đổi nghề.
Trên chuyến phà từ TP Mỹ Tho sang Cồn Long, tôi đi cùng anh Nguyễn Văn Sơn, công an phường Tân Long. Nghe tôi hỏi về những người phụ nữ có chồng đi biển mất tích, không cần suy nghĩ, anh Sơn nói ngay: “Thiếu gì, anh đi cả ngày không hết”.
Theo chỉ dẫn của anh Sơn, tôi tìm đến túp lều chỉ rộng chừng 10m2 của bà Bảy Ruộng (Phạm Thị Ruộng, vợ ông Nguyễn Chí Dũng, tài công tàu Thành Long) ở ấp Tân Hòa lúc bà Bảy đang lúi húi đan lưới, bộ đồ trên người bà xộc xệch, quần ống thấp ống cao. Thấy tôi dừng xe trước cửa, bà Bảy chạy ra hỏi dồn: “Chú đến báo tin tàu hả chú? Ổng sắp về phải hôn?”.
Tôi ái ngại nhìn quanh, túp lều của bà Bảy nền tráng xi măng lồi lõm khiến chiếc bàn tròn ọp ẹp cứ cập kênh lên xuống, mái lều lợp lá dừa nước, vách che chắn tạm bợ và trống huơ trống hoác. Vật dụng trong nhà không có thứ gì đáng giá vài trăm ngàn. Tấm vải nhựa phía trước rách te tua đang chờn vờn bay trước gió như trêu ngươi người phụ nữ bất hạnh.
Bà Bảy Ruộng kể trong tiếng nấc nghẹn: “Ổng đi ngày 19/10/2010. Tháng đầu tiên vẫn gọi về, nhưng sau đó thì bặt tăm tới giờ. Thông thường một chuyến ra khơi vậy chỉ từ 1 đến 3 tháng, ít khi nào lâu hơn. Lần này họ đi một năm rưỡi rồi mà không thấy tin tức gì. Trước giờ ở đây cũng có nhiều tàu bị nước ngoài bắt rồi, nhưng chỉ mất liên lạc chừng 5 – 6 tháng thôi, sau đó phía nước ngoài họ thông báo về cho biết. Lần này không thấy ai báo cả, chủ tàu cũng mù tịt, có lẽ mất luôn rồi”.
“Thà ông cứ đi biền biệt một năm 7 – 8 tháng như trước kia, tôi còn có người để mong ngóng, chờ đợi, có người để lo lắng. Còn bây giờ, tôi ăn mà không biết thế nào là ngon, thế nào là vui nữa. Thiếu nợ có mấy triệu bạc từ lúc ông đi, đến giờ không trả nổi, tiền góp mỗi ngày đã gấp mấy lần nợ gốc rồi”, giọng bà Bảy xa xăm, dường như không phải bà nói với tôi mà là nói cho mình, cho người chồng đang ở đâu đó rất xa nghe.
Sau khi cô con gái duy nhất theo về nhà chồng ở xa, trong nhà chỉ còn 2 người phụ nữ lớn tuổi. Bà Bảy vừa chăm sóc người mẹ ngót 80 tuổi vừa kiếm sống bằng việc nhận đan lưới với tiền công 10 ngàn đồng ký lưới. “Một ngày đan được chừng 2 ký lưới, kiếm được khoảng 20 ngàn, nếu không phải đóng tiền góp lãi thì cũng tạm ổn. Nhưng chuyện miếng ăn không phải là lớn, chỉ có sự cô đơn là không có cách nào bù đắp được thôi chú ạ”, bà Bảy nói.
Đợi chờ phép màu
Cùng chung số phận với bà Bảy là bà Huỳnh Thị Bé, vợ ông Cao Văn Hà, ở ấp Tân Thuận, cách nhà bà Bảy vài trăm mét. Ông Hà là thuyền viên trên tàu Thành Long TG69920, cùng chung số phận với tài công Nguyễn Chí Dũng. Nét u buồn trĩu nặng trên khuôn mặt, những giọt nước mắt tưởng chừng đã cạn bỗng trào ra khi nghe tôi hỏi về người chồng, bà Bé chầm chậm mở tủ lấy ra một bọc nylon đặt lên bàn.
Nhìn những bộ đồ của chồng, nước mắt bà Bé lại tuôn rơi
Lần giở từng chiếc áo, quần trong túi ra vuốt ve, bà thẫn thờ: “Cả đời tôi chẳng có mấy ngày được sống trong sự thanh thản. Mỗi khi ổng đi biền biệt, ở nhà ngoài việc chăm sóc con cái, mẹ già, tôi cũng lái đò đưa khách trên sông. Ban ngày vất vả là thế mà đêm về không thể ngủ yên, lâu lâu lại giật mình thảng thốt khi nghĩ ổng đang gặp nguy hiểm đâu đó trên biển. Lẽ ra ổng nghỉ đi rồi, nhưng vì xây căn nhà này phải vay nợ hết 30 triệu nên ổng bàn với tôi đi thêm một chuyến nữa kiếm thêm tiền trả bớt nợ rồi nghỉ kiếm việc khác làm. Nào ngờ…”.
Anh Cao Huỳnh Công, con trai ông Hà: “Mỗi khi nhớ cha, tôi lại lấy bộ cá hàm cá mập do cha tôi săn được này ra ngắm”
Trước năm 2007, khi chưa có phà Tân Long, bà Bé có chiếc xuồng đưa khách qua sông và lâu lâu lại chở vài khách đi tham quan quanh Cồn Long, mỗi tháng cũng kiếm vài triệu đồng. Đến khi bến phà xây dựng và đi vào hoạt động, chẳng còn ai đi xuồng của bà nữa. Mất khoản thu nhập này, gia đình bà càng khó khăn hơn.
“Nỗi buồn mất việc làm chưa nguôi thì tai họa mất chồng đã ập đến”. Vừa nói bà Bé vừa lấy trong tủ ra một mảnh giấy học trò đưa cho tôi xem, đó là mấy dòng ghi ngày đi, ngày mất liên lạc của ông Hà và lời dặn lấy ngày mất liên lạc làm ngày giỗ. “Tôi sợ có lúc nào đó bất chợt nằm xuống, không kịp dặn thì tụi nhỏ biết đường mà cúng giỗ cho cha nó”, bà nói trong nước mắt.
Tờ “di chúc” bà Bé viết lại để các con nhớ ngày làm giỗ cho cha
Không chỉ có bà Bé, bà Bảy phải chịu nỗi đau mất chồng, chuyến tàu ngày 19/10/2010 có đến 11 người đàn ông, trong đó có 2 thuyền viên là cha con. Ở Tân Long còn rất nhiều những gia đình chịu cảnh mất mát vì người chồng, cha đi biển rồi không về như thế. Nhưng, những người vợ, người mẹ ấy vẫn không tắt niềm hy vọng, vẫn cứ chờ một phép màu.
Màn đêm buông xuống, Cồn Long thật yên tĩnh. Tôi không biết tìm đâu ra chỗ ngủ nên gửi xe nhà chị Bảy Ruộng rồi lững thững đi bộ ra bờ sông. Trăng sáng vằng vặc, gió lồng lộng. Bất chợt, lòng tôi chùng xuống khi nghe văng vẳng trong tiếng sóng ì oạp vỗ vào kè đá lời ru con não nề của thiếu phụ: Ầu ơ… Lấy chồng nghề ruộng em theo… Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm…
“>>> “Chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh những phụ nữ có chồng mất tích khi đi biển. Đó là nỗi đau không gì bù đắp được. Hiện tại địa phương cũng đã cố gắng hết sức để hỗ trợ họ về vật chất trong khả năng như cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề… Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình”, bà Mai Cẩm Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Long chia sẻ.
Hồng Thủy