Một số biện pháp kỹ thuật ứng phó nắng nóng, mưa bão trong NTTS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cùng với việc chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn giúp người nuôi thủy sản ứng phó thời tiết nắng nóng, mưa bão, Cục Thủy sản cũng đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật đối với các tình huống cụ thể.

Đối với thủy sản nuôi trong ao

Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, tích cực tạo ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10 – 18 giờ và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15 – 20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).

Dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2 m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi.

Thu hoạch ngao nuôi tại huyện Hải Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: ST

Giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn thủy sản nuôi. 

Hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2 – 4 kg vôi bột/100 m³ nước.

Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.

Đối với nuôi ngao/nghêu

Định kỳ kiểm tra, vệ sinh bãi nuôi, san bằng mặt bãi, khai thông vùng nước ở các bãi ngao/nghêu nhằm tránh hiện tượng nước đọng cục bộ và giảm thiểu ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày làm ngao yếu và chết.

Vào thời điểm nắng nóng, đối với các bãi ngao/nghêu nằm ở vùng cao triều, thời gian phơi bãi quá 4 giờ/ngày cần san thưa mật độ và cào ngao/nghêu đến vùng thấp hơn, thu gom xác ngao chết để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Thu tỉa khi ngao/nghêu đạt kích cỡ thu hoạch; đối với ngao/nghêu nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 180 – 200 con/m² đối với cỡ ngao/nghêu từ 400 – 600 con/kg, dưới 250 con/m2 đối với cỡ ngao/nghêu từ 500 – 800 con/kg, 250 – 350 con/m² đối với cỡ ngao/nghêu từ 800 – 2.000 con/kg.

Hạn chế thả giống vào thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài.

Đối với thủy sản nuôi trong các đầm, vịnh

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết; di chuyển lồng bè chưa nuôi nhằm tăng sự thông thoáng mặt nước cho vùng nuôi; sử dụng lưới lan che bề mặt lồng bè nuôi để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi.

Khi mực nước xuống do triều rút cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5 – 3,0 m; đối với vùng nuôi có hàm lượng vật chất hữu cơ nhiều nên đặt lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5 – 2,0 m nhằm khắc phục việc thiếu ôxy cục bộ.

Giảm 50 – 70% lượng thức ăn cho ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm để duy trì thủy sản nuôi trong giai đoạn nắng nóng gay gắt.

Tiến hành thu tỉa khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. 

Biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt do áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa bão, lũ xảy ra

Trước khi có ATNĐ, mưa bão, lũ

  • Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm;
  • Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao;
  • Bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài;
  • Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền, phao cứu sinh…) cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xảy ra; 
  • Chủ động gia cố nhà cửa, trang trại đảm bảo an toàn khi có mưa, bão; Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người.

Biện pháp khắc phục sau ATNĐ, mưa bão, lũ

  • Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao;
  • Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp (nếu cần thiết);
  • Bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời;
  • Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm);
  • Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước. Hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất theo quy định.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!