Phản ánh gần đây từ các chủ tàu miền Trung có công suất trên 90 CV về tình trạng thường xuyên bị thiếu lao động (bạn). Để kiên trì bám biển, các chủ tàu đã dùng đủ cách, kể cả việc “mua” bạn để ra khơi…
Mùa vụ khai thác cá ngừ đại dương đang cận kề, những tai nạn trên biển gần đây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lao động bám biển lâu năm. Dọc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên không ít chủ tàu có công suất lớn trên 90 CV, cần 10-20 lao động đều rơi vào tình trạng thiếu lao động có tay nghề ra biển mùa khai thác.
Thiếu lao động
Anh Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) nói: “Thời gian gần đây không chỉ đợi đến mùa vụ đánh bắt (từ tháng 8 – 4 âm lịch) mới xảy ra thiếu lao động đi biển mà lâu nay cũng đã thiếu rồi. Đã chọn nghề truyền thống làm ngư dân, con tàu là đầu cơ sinh nghiệp, sẽ không thể bỏ biển được”. Theo ông Thuẫn, sỡ dĩ mà chủ tàu thiếu bạn là vì lộc biển càng ngày càng hiếm; thời giá tăng lên khiến thu nhập của lao động giảm xuống.
Lao động chán dần kiểu ăn chia sản phẩm từ lộc biển phải tùy thuộc vào quá trình khai thác có được
Chủ tàu có bạn đã là khó, mà giữ được bạn ra khơi lại càng khó hơn. Ông Thuẫn chia sẻ.
Vào mỗi vụ đánh bắt cá ngừ đại dương (tháng 8 – tháng 4 âm lịch), dọc các bến cảng cá Tam Quan, Hàm Tử, Đề Gi (Bình Định), phường 6, 7 (Tuy Hòa, Phú yên) lại lao xao chuyện các chủ tàu tìm lao động. Để có người sẵn sàng ra khơi, các chủ tàu không ngần ngại ra giá tiền tươi để thu hút lao động.
Anh Nguyễn Hữu Hào, một lao động đến từ huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) nói: “Mấy năm liền mùa màng thất bát, nghe anh em trao đổi đi bạn làm cá sẽ được chủ tàu cho ứng tiền trước. Biết vậy nên tui cũng sẵn sàng đầu quân, miễn có tiền mua sách vở cho lũ nhỏ đến trường là được rồi”.
“Chúng tôi đành phải tìm bạn là những thanh niên nông thôn rồi chịu khó lăn lộn, truyền kinh nghiệm đi biển cho họ để có đủ lao động cho mỗi chuyến ra khơi. Biết là rất vất vả, nhưng không thể bỏ biển được”, chủ tàu Trần Ngọc Tư (phường 6, TP Tuy Hòa) cho biết.
Lão ngư Phạm Thư, xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn – Bình Định) tâm sự: “Để có bạn ra khơi, hầu như các chủ tàu đều phải cạnh tranh nhau giữ bạn bằng cách cho các lao động ứng tiền trước. Trước đây biển được mùa, lao động tự tìm đến mình, giờ không cho họ ứng tiền trước họ lại nhảy đi tàu khác để cầm tiền mới chịu đi. Như vậy cũng có thể gọi là mua bạn rồi đó”.
Chị Mai Kim Thi, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết: “Về thuyền viên cho tàu xa bờ, đối với Bình Định chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương, chỉ có một số ít là người ngoài địa phương. Tuy nhiên, vấn đề lao động chưa phải là bức xúc mà điều thực sự cần thiết hiện nay chủ yếu là thiếu vốn sản xuất, vốn đóng mới tàu công suất lớn”.
Lão kình ngư hiến kế
Một trong những kinh nghiệm bám biển lâu năm ngư lão kình ngư Nguyễn Ái (Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định) lại rất hài lòng khi đội bạn đáp ứng cho đoàn tàu 5 chiếc (nhỏ 90 CV, lớn 900 CV) của ông lúc nào cũng lên trên 50 người.
Đội bạn trẻ thường niên của chủ tàu Nguyễn Ái trên đường ra ngư trường Trường Sa
Lão kình ngư Nguyễn Ái chia sẻ: “Để giữ chân được lao động, trước hết chủ tàu phải xem họ như là con của mình. Ai chưa biết thì mình bày vẽ, ai thiếu thốn mình sẵn sàng giúp họ trước, lo cho gia đình, vợ con họ ở nhà để họ an tâm mới bám biển được”.
Lão Ái khẳng định chắc nịch, hầu hết ngư dân đi bạn đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. Là chủ tàu, mình nên ứng trước cho họ một ít vốn liếng (mua sự an tâm – PV) để họ ra khơi mà không phải thấp thỏm lo chuyện ăn học cho vợ con ở nhà.
Hỏi đến thủ lĩnh của đội tàu 5 chiếc xếp loại khủng, chuyên bám ngư trường Trường Sa nhưng chưa bao giờ than phiền vì thiếu lao động đi biển, lão kình ngư Nguyễn Ái chỉ cười và nhỏ nhẹ, “con đói thì mẹ cho ăn”.
Một trong những nguyên nhân mà chúng tôi ghi nhân được khi các lao động thường xuyên đổi chủ để ra khơi đều xuất phát từ điều kiện kinh tế mà ra. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người tự xác định cho mình trách nhiệm trước khi ra khơi tìm kiếm nguồn sống.
Lao động Nguyễn Hữu Chính (Hoài Nhơn – Bình Định) tâm sự: “Chúng tôi chỉ muốn vợ con ở nhà có cái ăn ổn định khi trụ cột gia đình đi xa hàng tháng trời trên biển. Đấy chưa nói đến rủi may với sóng gió”.
“Là lao động đã thiếu thốn đủ bề, các chủ tàu là nguồn thu của chúng tôi cũng than quá trời vì khó khăn”, lao động Trần Minh (phường 6, Tuy Hòa, Phú Yên) than vãn.
Ngư dân Trần Văn Bé (Hoài Nhơn – Bình Định) nói: “Tui làm bạn hơn 10 năm cho chủ tàu Phạm Thư nên có nhiều tình nghĩa, chỉ khi nào hết sức đi biển mới xin nghỉ thôi”. Tuy nhiên, ngư dân Bé cũng than rằng, hiện nay do các tàu lớn thiếu lao động nhiều quá nên nhiều chủ tàu tìm không được lao động nên dùng tiền để mua được người ra khơi đánh bắt.
Còn chủ tàu Trần Bông, phường 6, TP Tuy Hòa) lại cho rằng: “Hầu hết chủ tàu giờ phải đi tuyển lao động ở các tỉnh, huyện và vùng nông thôn, miền núi về để đi biển. Ban đầu hầu hết họ chưa có tay nghề cũng như ra biển đều say sóng lộn ruột, nhiều lần bầm dập mới quen với sóng gió để bám trụ với nghề được. Vậy nhưng vẫn thiếu…”.
>> Thống kê từ Chi cục Thủy sản Bình Định cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hỗ trợ 3 đợt (1.012 hồ sơ), tổng 470 tàu được hỗ trợ nhiên liệu với tổng số tiền là 35 tỷ 261 triệu đồng (nhiên liệu 751.28 triệu đồng), máy HF (261.7 triệu đồng). Ngư dân cũng đã lắp đặt 600 máy HF tầm xa tích hợp thiết bị vệ tinh VX 1700. |