Khi sóng yên biển lặng, những chiếc tàu vươn khơi mang về đầy ắp cá tôm. Bây giờ, chuyện “mần ăn” xứ biển không còn để lo cái đói mà là cái nghiệp, là khát vọng đổi đời.
Làng biển thị trấn Cái Đôi Vàm mùa này nhộn nhịp khi vào mùa làm cá khô mặn với hàng trăm hộ làm nghề. “Đất lành chim đậu”, người tứ xứ về đây sinh sống, đời này tiếp nối đời sau, bám đất, bám biển để mưu sinh.
Làng cá Cái Đôi Vàm vào mùa làm khô mặn.
Vựa khô Hoàng Phúc (Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) tất bật vào mùa khô Tết. Anh Ngô Văn Hoàng, chủ vựa khô cho biết, năm nay mùa cá khoai đến trễ, nên hiện tại cơ sở của anh vừa có ghe đánh bắt, vừa tận dụng thu mua cá tươi từ các ghe khác để sản xuất các loại cá khô mặn cung cấp ra thị trường.
Cơ sở khô của vợ chồng anh Huỳnh Văn Quang (Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) hoạt động hơn 15 năm nay. Vào mùa cao điểm, cơ sở của anh sản xuất từ 300 – 400 kg/ngày, gấp 3 – 4 lần ngày thường.
Khô cá cơm bánh tráng là 1 đặc sản của Cái Đôi Vàm.
Khô ruốc vào mùa với đa dạng loại khô được chế biến.
Người dân tất bật chuẩn bị phơi cá cho kịp nắng
Chị Trần Thị Ngọc Thúy (39 tuổi, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) cho biết làm nghề vá lưới từ năm 13 tuổi. Cuộc sống khó khăn, không từ bỏ để đi Bình Dương hay Đồng Nai làm công nhân kiếm sống như những chị em khác, chị vẫn ở lại bám trụ với nghề.
Trẻ em phụ giúp người lớn làm khô sau giờ học.
Nghề làm khô tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.
Thị trấn Cái Đôi Vàm có hơn 230 phương tiện khai thác biển. Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất lớn nhỏ cho ra gần 2 tấn cá khô các loại. Giá các loại cá khô dao động từ 150.000 – 350.000 đồng/kg.
Nghề làm cá khô nơi đây không chỉ tạo việc làm mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của người dân vùng biển.