Ngoài phù sa tưới mát những cánh đồng thêm màu mỡ, mùa nước lũ còn đem đến nguồn thuỷ sản dồi dào cho cư dân thượng nguồn, nhất là cá linh – đặc ân mà thiên nhiên dành cho người dân vùng lũ. Người có ít vốn thì đặt lờ, lọp, dớn. Người vốn nhiều thì đóng đáy, lưới giựt, gió gạt, vận chuyển cá đến các nơi, hoặc ướp, ủ làm mắm bán quanh năm.
Mùa đáy cá linh
Ngó sang cánh đồng Coosunpư (huyện Pencho, Preyveng, Campuchia) ngập trắng, ông Tư Bé, ngư dân có gần 20 năm trong nghề đóng đáy cá linh ở vùng đầu nguồn giải thích: “Đồng rộng, thoáng, nước từ Biển Hồ đạp thẳng vào sông Sở Thượng nên đây là khúc sông có cá linh nhiều nhất”. Chính vì vậy, mùa này, đầu nguồn sông Sở Thượng thuộc xã biên giới Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nở rộ các giàn đáy đánh bắt cá linh. Cứ cách nhau khoảng 500m là có một giàn đáy đặt giữa lòng sông. Theo ông Tư Bé, tuỳ theo khúc sông rộng hay hẹp, sâu hay cạn, mà sử dụng đáy có kích thước khác nhau, riêng giàn đáy của ông Tư Bé rộng 7m, sâu 4m, chiều dài 30m. Miệng đáy hướng về cánh đồng Campuchia, đú cá (đuôi đáy) quay ra sông Sở Thượng.
Vừa cùng nhóm nhân công kéo đú cá tươi rói, nặng hơn 100kg chuyển sang ghe đục (loại ghe đục rỗng hai bên, thay vào đó là hai tấm lưới thép để nước thông thương ra vào cho cá không bị chết), ông Tư Bé nói: “Vào đợt cá chạy rộ, giàn đáy này thu được từ 3 – 4 tấn cá mỗi ngày”. Cạnh đó, hơn mười chiếc ghe đục đang đợi đến lượt mình chở cá về miệt dưới tạo nên một quang cảnh náo nhiệt.
>> Điều bắt buộc ở mỗi giàn đáy đều có gắn một cây tre, trên đầu cây tre được chẻ thành nhiều thanh mỏng có gắn các sợi vải nhiều màu gọi là xôm Ông Tà. Đây là nơi để cúng hoa, quả, gà, vịt cầu mong thuỷ thần phù hộ |
Theo chu kỳ hàng năm, vào đầu tháng 7 âm lịch, ông Tư Bé cũng như các ngư dân sở đáy bắt đầu chuẩn bị căng dây thép, thả phao, hạ lưới. Đến giữa tháng 7, nước bắt đầu đổ mạnh cũng là lúc cá linh tràn về theo con nước, thời gian thu hoạch kéo dài đến cuối tháng 10 âm lịch. “Những năm trúng mùa, cá linh chạy xanh nước, cứ 15 – 20 phút là đú cá được kéo lên, nếu chậm, cá bị chết ngộp”, ông Tư Bé nói. Một phần cá được ghe đục chở về miệt dưới, phần còn lại được bán tại chỗ dùng ủ nước mắm, làm mắm, hoặc làm thức ăn cho cá.
Anh Út Hừng, 43 tuổi, có hơn 20 năm làm đáy ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), cho biết cá linh thường lần theo những “rọc” để đổ ra sông, nên chọn nơi đặt đáy cũng phải dựa vào những “rọc” này. Vì vậy, vào đầu mùa nước lũ, Út Hừng và nhóm công nhân cho xuồng “thả lỏng” trên lòng sông Phú Hữu để xác định dòng chảy và chọn vị trí đặt đáy. “Lũ càng lớn và nơi nào nước chảy xiết, thì cá linh vào đáy càng nhiều”, Út Hừng nói. Dọc theo các xã biên giới Nhơn Hội, Khánh An, Phú Hữu, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), mùa này có hàng trăm miệng đáy lớn nhỏ túc trực ngày đêm đón cá.
Nghề… trời định
Hì hục kéo những đú cá đầy trong bóng đêm ở vùng biên giới, Út Hừng cho biết: “Vào đợt cá chạy rộ, phải thức đêm canh đáy cả tháng ròng”. Theo anh Út Hừng, nước lũ càng lớn, cá linh càng nhiều, cơn lũ lớn năm 2011 vừa rồi, sản lượng cá linh tăng gấp chục lần so với những năm trước; với một giàn đáy, mùa rồi Út Hừng thu được hơn 50 tấn cá linh. Còn ông Dương Văn Tổng ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, mùa nước lũ năm ngoái, với 15 miệng đáy, lúc cao điểm, cứ cách nhau vài giờ, ông thu về được hơn 30 tấn cá.
Để được đóng đáy, đa số đều phải thông qua đấu giá, việc nộp tiền cho chính quyền sở tại, hay ngành chức năng phải thực hiện trước khi nước lũ về. Do không thể biết trước lũ lớn hay nhỏ, cá ít hay nhiều, nên nhiều chủ đáy gọi là nghề “trời định”. Ông Nguyễn Văn Ni ở ấp 4, xã Khánh An, năm 2009 – 2010 mua giàn đáy Mương Vú từ một đầu nậu ở Campuchia với giá 36.000 USD để khai thác, nhưng hai năm liên tiếp, ông bị lỗ trắng do mực nước lũ thấp. Còn ông Huỳnh Tấn Đức ở ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội hiện đang sở hữu sáu giàn đáy, cũng là người có số giàn đáy cá linh nhiều nhất vùng đầu nguồn, năm nay, với 30 nhân công, mỗi nhân công được trả lương 3 triệu đồng/tháng, ông nói giọng chắc nịch: “Nước lũ lớn thì có lời, còn lũ nhỏ là “tiêu” luôn”.
Còn nhớ vào năm 1997, khi đồng bằng sông Cửu Long không có lũ, các sở đáy ở thượng nguồn trở nên hiu quạnh, các làng nghề nuôi cá ba sa, cá lóc điêu đứng vì không có cá linh làm thức ăn cho cá nuôi. Giá cá linh ở chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm đó cũng tăng lên mức kỷ lục 18.000 đồng/kg, trong khi những năm trước đó từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Đập ở xã An Bình A, huyện Hồng Ngự nhớ lại, năm 1997, anh đấu giá bãi khai thác cá linh ở vàm kênh Hồng Ngự – Long An trị giá 20 triệu đồng, nhưng cả tháng trời đợi mãi không có nước lũ đành phải cuốn đáy đem về, trong khi những năm trước đó, giàn đáy này anh thu về 1.000 – 5.000 giạ (1 giạ = 40kg) cá linh.
Lừng danh món mắm
Mắm cá linh có màu vàng ươm và thơm lựng, cũng chính là nguyên liệu làm nên món mắm kho trứ danh ở miền Tây. Mắm kho với nguyên liệu cá linh tươi đầu mùa kèm theo rau ghém, gồm: bông điên điển, bắp chuối, bông súng… là món ăn mà người miền Tây nào cũng khoái, Đến các chợ ở miền Tây, hỏi mua mắm cá linh, hầu như chợ nào cũng có, đặc biệt là chợ Châu Đốc, mắm cá linh được bày bán sỉ và lẻ với số lượng lên đến hàng tấn.
Ngoài món mắm, nước mắm cá linh cũng là đặc sản của vùng này. Cá linh tươi sau khi rửa sạch được trộn muối với tỷ lệ 3:1 và đậy kín phơi nắng từ 3 – 12 tháng đem ra nấu và lược sạch. Vì vậy, mùa này dọc theo con đường 16km ven sông Sở Thượng đoạn từ vàm sông trở ngược lên xã biên giới Thường Thới Hậu A, hầu như nhà nào cũng ủ đôi ba khạp nước mắm. Những chảo đựng nước mắm cốt mới nấu đỏ au toả hương thơm. Bà Nguyễn Thị Cầm, 73 tuổi, ở ấp Bình Hoà Hạ, xã Thường Thới Hậu B khoe: “Nước mắm cá linh không thua nước mắm cá cơm ở miệt dưới, nên ai cũng nấu ăn giáp năm, ăn không hết thì chia lại cho bà con lối xóm”.
Nước mắm cá linh đã ngự trị trong đời sống của cư dân thượng nguồn và là đặc sản vùng này, nhưng đến tận bây giờ chưa có nhãn hiệu nước mắm nào làm ra từ cá linh được bày bán. Anh Nguyễn Phụng Hoàng, chủ hiệu mắm Bà Giáo Khoẻ ở thị xã Châu Đốc (An Giang), cho biết anh đang dự định làm ra loại nước mắm đồng từ cá linh. Nhưng khi chúng tôi hỏi bao giờ dự định này mới trở thành hiện thực, anh nói: “Chắc còn phải chờ..