Mừng cho tôm, buồn cho cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Hôm qua (3.3), ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, theo công bố sơ bộ mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 5 với tôm đông lạnh Việt Nam thì mức thuế đều giảm so với mức thuế CBPG lần thứ 4.

Nhưng con tôm vừa hé “ánh sáng” thì mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố dự thảo Luật Thanh tra và phân loại cá da trơn nhằm đưa ra các biện pháp kiểm soát mới đối với cá da trơn sản xuất hoặc nhập khẩu vào Mỹ.

Bức xúc của DN Việt Nam có cơ sở

      Ông Hòe cho biết, mức thuế CBPG của các Cty thuộc diện xem xét hành chính lần thứ 5 giai đoạn từ ngày 1.2.2009 đến 31.1.2010 đối với tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam đều giảm so với mức thuế CBPG lần thứ 4 (giai đoạn từ 1.2.2008 đến 31.1.2009). Theo đó, 3 “đại gia” là Nha Trang Seaproduct Company được giảm thuế xuống mức tối thiểu 0%, Minh Phu Seafood Group được giảm từ 2,95% xuống 1,67%, Camimex được giảm từ 3,92% xuống 1,36%. 29 Cty khác như C.P. Vietnam, Cuu Long Seapro, Seaprodex, Phu Cuong Jostoco Corp… được giảm thuế từ mức trung bình 3,92% xuống còn 1,52%…

       Trước đó tại kết quả xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam lần thứ 4, áp dụng cho tôm vào Mỹ giai đoạn 1.2.2008-31.1.2009 công bố lần đầu thì chỉ có duy nhất Cty Minh Phú được giảm thuế từ 3,27% xuống 2,96%, còn lại hầu như đều tăng gần gấp đôi. 3 Cty là Minh Phú Seafood, Nha Trang Seaproduct và Minh Hải Seafoods đã đệ trình phản hồi về một số vấn đề trong quyết định của DOC.

        Sau khi xem xét và phân tích phản hồi từ phía các Cty, DOC đã ghi nhận những sai sót này và tính toán lại mức thuế CBPG cho 3 Cty trên. Tuy nhiên sau khi đính chính sửa đổi của kết quả lần thứ 4 này thì thuế áp cho Nha Trang Seaproduct dù thấp hơn mức cũ nhưng vẫn ở mức cao nhất trong số doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ (4,89%). Các DN tiếp tục những kiến nghị. “Đây mới là kết quả sơ bộ lần thứ 5 chưa phải là quyết định chính thức. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận việc DOC đã xem xét những kiến nghị của Vasep và cũng chứng minh những chứng lý phía Việt Nam đưa ra là có cơ sở!” – ông Hòe nói!

 

Phập phồng số phận cá tra

       Theo Vasep, con tôm đã có chút tương lai sáng sủa. Tuy nhiên với số phận con cá tra thì rất lo. Cái lo thứ nhất, hiện tại, các DN xuất khẩu đang hồi hộp chờ DOC công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 6 thuế CBPG dự kiến vào giữa tháng 3 này. Nỗi lo thứ 2, mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố dự thảo Luật Thanh tra và phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu. Theo đó, các sản phẩm ghi nhãn “catfish” phải theo tiêu chuẩn thanh tra của Cơ quan Thanh tra và an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS).

       Theo ông Hòe, tuy dự thảo luật trên không nói rõ cá tra (được nuôi phổ biến ở Việt Nam, một loài giống với cá da trơn hay catfich) có nằm trong dự luật cuối cùng hay không; tuy nhiên nhiều DN cũng không khỏi lo ngại. Bởi USDA vẫn đang tham khảo các bên có liên quan về việc có đưa cá tra, ba sa vào định nghĩa “catfish” theo đạo luật Farm Bill 2008 hay không. Mà theo quan điểm của FSIS, mặc dù việc định nghĩa cá da trơn vẫn chưa được thực hiện, nhưng một khi định nghĩa đã được ấn định trong dự luật cuối cùng, thì bất kỳ nhà sản xuất cá da trơn nước ngoài nào cũng sẽ phải tuân theo các quy trình, thủ tục của FSIS.

        Theo Vasep, trong dự luật năm 2002 của Mỹ đã nêu rõ chỉ có cá họ Ictaluridae mới được gọi là cá da trơn, còn cá tra Việt Nam được biết tới là loài ba sa (swai) hoặc tra (pangasiidae). Vì vậy, Vasep đang cung cấp các bằng chứng để USDA không đưa cá tra, ba sa của Việt Nam vào định nghĩa nói trên.

(Theo Lao Động – 04/03/2011)

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!