T2, 06/07/2020 10:24

Mưu sinh dưới … đáy biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Có một nơi người ta vẫn còn khai thác thuỷ sản theo hình thức hết sức kinh điển – mò dưới lòng biển, bất chấp hiểm nguy rình rập. Đó là câu chuyện của những thợ lặn nghiệp dư ở cửa biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Nghề này xuất hiện cách nay hơn 15 năm.

Những người đi mò thuỷ sản

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chủ trương cấm khai thác thuỷ sản ở vùng bãi bồi được thực thi. Những người làm đáy hàng khơi ở đây trở nên vô công rỗi nghề.

Phần lớn họ không có điều kiện để tự chuyển sang những ngành nghề khác do không có vốn đầu tư cũng như trình độ khoa học – kỹ thuật cao. Không còn đường mưu sinh, họ đành chấp nhận đánh cuộc với thiên nhiên và cả ngành chuyên môn bằng cách đi mò thuỷ sản trong vùng cấm.

 

Sản phẩm thu được sau hơn một giờ lặn dưới đáy biển.

Họ đi thành từng tốp trên những chiếc xuống nhỏ có gắn động cơ nổ và thường hoạt động từ lúc nửa đêm trở về sáng. Họ hoạt động theo con nước, kể cả khi trời mưa gió để bảo đảm sáng hôm sau có sản phẩm để bán, bất kể hiểm nguy.

Dụng cụ trang bị thường chỉ là chiếc thùng bằng xốp để đựng thuỷ sản sau khi mò được cùng với một mảng lưới được đan lại để bắt cá ngát trong hang. Sản phẩm chính là con bắp chuối. Địa bàn hoạt động là vùng bãi bồi, biển cạn, nước không quá đầu người.

Nguồn tài nguyên rồi cũng cạn kiệt, thuỷ sản sinh sôi không đủ đáp ứng nhu cầu đánh bắt nên người đi mò cũng phải tiến ra vùng biển xa hơn, nước sâu hơn. Chính vì vậy, họ không thể làm theo cách cũ mà phải chuyển sang lặn sâu hơn xuống đáy biển để bắt các loài thuỷ sản nào có thể. Đương nhiên, họ trở thành những “thợ lặn nghiệp dư” nơi miền biển Tây.

Nếu như ngày trước, họ chỉ hoạt động ở vùng nước cạn chỉ khoảng 1,5-2 m, thì nay phải lặn ở độ sâu từ 7-8 m nước, có khi sâu hơn. Để lặn ở độ sâu này, dụng cụ trang bị thêm chỉ là một chiếc máy bơm hơi.

Cứ như thế, mỗi người có thể lặn hàng giờ dưới nước sâu để bắt thuỷ sản, chủ yếu là con móng tay. Việc đi mò bây giờ không cần phải lén lút ban đêm nữa mà chuyển qua làm ban ngày.


Dò “bụng biển”

Ông Nguyễn Văn Leo, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, được mệnh danh là người lặn giỏi nhất trong khoảng 100 “thợ lặn” ở đây. Ông cũng là một trong những người đầu tiên phát hiện ra bãi móng tay này rồi rủ nhiều người khác cùng tham gia đánh bắt để mưu sinh.

Dụng cụ để đánh bắt là một chiếc cào ngang hơn 1 m và vài chiếc can nhựa trắng loại 30 lít và thùng xốp. Phương tiện hoạt động là chiếc máy bơm hơi dùng chung cho 2-4 người.

Ngoài ra, mỗi người có trang bị thêm chiếc cào bằng cây được đóng thêm răng bằng kim loại và kẹp thêm sắt, đủ độ nặng để chìm xuống biển nhanh chóng. Phút chốc, những người thợ lặn đã nhảy hết xuống biển. 

Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, bắt đầu có vài người nổi lên. Họ kéo chiếc cào lên. Mỗi người bắt được từ 20-30 con. Ước chừng khoảng 10 con/kg. Họ nghỉ ngơi độ 10-15 phút, sau đó lại tiếp tục lặn xuống biển.

Ông Leo cho biết, lúc đầu ông cũng như nhiều người khác đi mò và bán lại cho thương lái. Nhưng sau khi tìm hiểu, ông biết rằng móng tay bán ra thị trường với giá khá cao, nhưng trước giờ ông và những người dân ở đây luôn bán với giá rất thấp.

Thế là ông Leo quyết định gom vốn thu mua lại với giá cao hơn và đóng thùng chuyển đi các tỉnh khác bán. Việc làm này vừa giúp ông kiếm được lời, vừa giúp anh em có thu nhập khá hơn. Hiện tại, ông Leo cân tại chỗ với giá 130.000 đồng/kg cho móng tai có trọng lượng trên dưới 10 con/kg.

Những người thợ lặn tiếp tục công việc của mình cho đến độ 15 giờ chiều, họ thu gom dụng cụ và trở về. Trung bình một ngày mỗi người có thu nhập hơn 1 triệu đồng. Nghề này dễ kiếm tiền nhưng lại có ít người tham gia, bởi họ không thể lặn được và nhiều nguy hiểm chực chờ, bởi họ chưa trang bị cho mình một dụng cụ bảo hộ an toàn nào và cũng không có một phương tiện gì để thông tin cho nhau khi gặp sự cố.

Biển cả bao la, hào phóng nhưng cũng rất dữ dội. Con người luôn có biện pháp để chinh phục thiên nhiên, nhưng trong điều kiện khai thác quá thô sơ ấy, xem ra họ quá nhỏ bé trước biển cả.

Hầu hết những thợ lặn nghiệp dư ấy đều ý thức được sự nguy hiểm cho mình nhưng vẫn theo đuổi, bởi họ chưa thật sự tìm được đường mưu sinh khác.

Quốc Hiệp

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!