T2, 06/07/2020 09:59

Mưu sinh nơi bến cá Duy Hải

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở nơi phần lớn các gia đình đàn ông đều đi biển để mưu sinh, những người phụ nữ hàng ngày phải vừa chăm con, vừa lo công tác “hậu cần” để xây dựng cuộc sống gia đình, niềm hy vọng vẫn ánh lên dẫu mồ hôi và cả nước mắt hàng ngày vẫn đổ xuống. Đó là bến cá Duy Hải, thuộc thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Một ngày cùng với những người phụ nữ nơi đây đã cho chúng tôi những cảm nhận mới và tin hơn về những điều tốt đẹp còn tồn tại trong cuộc đời này.

Miệt mài mưu sinh

Khi mặt trời mới rọi những tia sáng le lói đầu tiên, những người phụ nữ ở các thôn xóm lân cận đã tụ về bến cá Duy Hải để bắt đầu công việc mưu sinh thường nhật. Ra bến và chờ những tàu cá đầy ắp từ biển trở về. Trong các chị, các mẹ có những người buôn thúng bán bưng ở các nơi về đây lấy cá bán lại, cũng có người làm thuê làm mướn cho các cơ sở sản xuất thủy, hải sản xung quanh bến cá. Nhưng dù có làm gì, đã ra đây mưu sinh thì chật vật lắm.

Xẻ cá phơi ngay tại bến

Khi một tàu đánh cá vừa cập bến, các mẹ, các chị đã vội tranh nhau tìm cho mình một vị trí thích hợp để mong sao mua lại được một ít cá, đem bán lại tại các chợ hoặc gánh đi các đường làng ngõ xóm bán kiếm tiền mua chút mắm chút muối cho chồng con. Trời chưa nóng nhưng khuôn mặt ai cũng ướm đỏ, mồ hôi túa ra, miệt mài bên sự ồn ào náo nhiệt vốn có của bến cá.

Chờ đợi

Nhưng cái tấp nập và ồn ào ấy chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ hoặc hơn một chút là xong. Những người phụ nữ lại tiếp tục phần còn lại của công việc trong ngày của mình. Bằng xe máy, xe đạp và cả gánh bộ, họ tỏa về các nơi lân cận, đem những con cá còn tươi ngon đến những người dân đang chờ đợi chút thức ăn thơm thảo bữa trưa có vị mặn mòi của biển.
 

Chuyển cá vào bờ

Cách đó không xa là các cơ sở sản xuất hải sản. Những người phụ nữ làm việc nơi đây mới thật sự vất vả bởi cả ngày quần quật với những công việc cần sự tỉ mỉ và cũng tốn không ít sức. Từ việc lóc cá, phơi cá đến chuyển cá từ chỗ này sang chỗ khác. Một ngày làm việc của họ ở đây không mấy khi được nghỉ ngơi. Chỉ trừ buổi ăn trưa và vài phút riêng tư của cá nhân mà thôi. Phơi cá, chuyển cá ngoài trời trưa nắng gắt. Hấp cá trong nhà thì hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Dù ở trong hay ngoài cơ sở sản xuất, mồ hôi của các mẹ, các chị vẫn nhễ nhại trên tóc, trên lưng áo bạc phết theo thời gian. Lầm lũi với công việc vất vả, bóng các mẹ, các chị đổ dài xuống những bãi cát, những nền xi măng khi dấu chân đi qua. Nhưng đôi lúc, những cuộc vui giữa lúc làm việc, giữa giờ nghỉ hiếm hoi vẫn diễn ra. Bỏ qua những nhọc nhằn in dấu trên khuôn mặt, nụ cười của các mẹ, các chị mới hiền hòa, mới thân thương, mới thoải mái làm sao!

Những mảnh đời không nguôi hy vọng…

Vừa làm việc mưu sinh, những người phụ nữ nơi bến cá này vẫn dõi theo bóng của chồng, của con trai đang lênh đênh trên các vùng biển. Chỉ cần biển động hay nghe đài báo gió to, sắp có bão là họ lại bỏ công bỏ việc lặng lẽ ra bờ biển ngóng chồng ngóng con. Biết bao lần như vậy đi qua cuộc đời mòn mỏi của họ.
Trong cái nắng cuối chiều nơi bến cá Duy Hải, chúng tôi gặp một người phụ nữ năm nay vừa tròn 27 tuổi, tên là Phúc. Sự vất vả của người dân làng biển làm chị già và gầy hơn rất nhiều so với những người cùng trang lứa. Nhưng cho đến giờ, phúc phần của đời chị đã bị những con sóng dữ ngoài khơi kia lấy đi gần hết. Lấy chồng về Duy Hải được 3 năm, có với nhau được hai mặt con thì chồng chị đã bất ngờ ra đi sau một chuyến đánh bắt xa bờ.

Hơi khói nghi ngút trên những vỉ cá vừa hấp xong

Kể chuyện với chúng tôi mà chị Phúc vẫn còn rưng rưng nước mắt. Chị bảo: “Ngày ấy, được tin chồng mất tích trên vùng biển Hoàng Sa, em ôm hai con mà khóc, chỉ biết khóc mà thôi. Có bao nhiêu nước mắt thì dường như đã tuôn ra hết. Toàn bộ đội câu mực cùng với anh ấy gồm 16 người đều bình an trở về. Riêng chồng em… Người ta nói lúc tàu lớn đi vớt những thúng chai nhỏ của người câu mực, đến thúng của chồng em thì không thấy người đâu, chỉ thấy thúng lật úp. Biển thì mênh mông, biết đâu mà tìm hả anh…”.
 
Phơi cá


Rồi từ ngày ấy, chị gửi con cho ông bà ngoại, ra cảng cá làm việc ở khu chế biến hải sản. Nhưng những sáng, những chiều, khi thấy thuyền cập bến, khi những người thân ra sát biển đón chồng đón con trở về, lòng chị lại quặn thắt. Người góa phụ trẻ ấy đã bao lần một mình đứng trước biển, mong một sự kỳ diệu xảy ra, chồng sẽ được ai đó cứu trở về. Và cũng bao lần chị tay bồng tay dắt hai con ra mộ gió của cha chúng mà khấn nguyện linh hồn anh sớm tìm nẻo quay về giữa trùng khơi mênh mông… Nhưng rồi, chị vẫn mạnh mẽ đứng lên, mạnh mẽ làm việc và sống vì tương lai của hai con thơ. Giờ, với chị, tất cả sức lực đều dồn vào hai đứa con bé bỏng.

 

Bờ đê chừng 1km này vô cùng ý nghĩa với ngư dân nơi đây


Theo chị Phúc, tại bến cá này cũng có không ít những phận đời phụ nữ éo le như chị. Lấy chồng đi biển, nhất là đi biển trong những năm gần đây, người phụ nữ nơi đây hầu như đã chuẩn bị sẵn tâm lý xấu nhất. Bởi biển thì càng ngày càng trở nên giận dữ, biển chuyển khôn lường. Bão giông có thể cướp đi mạng sống của ngư dân bất cứ lúc nào. Và ngoài ra, có biết bao nguy hiểm khác khi đánh cá. Nhưng như những cây thông vẫn bám sâu vào lòng cát để vươn lên thẳng đứng, những người phụ nữ ở thôn An Lương cũng như xã Duy Hải vẫn sống, vẫn lao động miệt mài hết sức mình vì những trách nhiệm của mình, và vì một ngày mai tốt đẹp hơn.

Trời xẩm tối, hoàng hôn in những dáng hình của những người phụ nữ trên cát biển, trên những chiếc ghe sát biển, trên những con đường dẫn từ cảng cá về các thôn, các ngôi nhà gần đó. Các mẹ, các chị lại về nhà, lo bữa cơm tối cho gia đình và những công việc bộn bề trong đêm mà một người phụ nữ phải lo chu đáo. Chúng tôi cũng chia tay bến cá trong nỗi trăn trở và niềm tin khôn nguôi đang dần trở lại..

Thành Giang

Theo Tin Tức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!