Băng qua con đường đầy vỏ sò, vỏ ốc, nhập vào tốp người đang đi về bãi triều Cồn Chiêm (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) để đào gáo, mò sò bán làm thức ăn cho tôm hùm…, chúng tôi mới phần nào hiểu được những vất vả trong cuộc mưu sinh của họ.
Trong cơn mưa tầm tã, trên bãi triều Cồn Chiêm, hàng chục người vẫn cặm cụi đào xới, nhặt nhạnh… Vừa mò mấy con sò dưới nước, bà Phan Thị Xuyến (65 tuổi, ở tổ dân phố Hòa Do 3, phường Cam Phúc Bắc) vừa cho biết: “Hầu hết những người mưu sinh trên bãi triều Cồn Chiêm đều không có việc làm ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Như gia đình tôi, hơn 10 năm nay, sáng đi phụ bán quán, chiều đến, cả 5 mẹ con lại ra đây bắt sò, phi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống”. Nhìn vào can nhựa đựng gần 10kg sò mà bà Xuyến đã mò được, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, buổi bắt sò này cũng cho bà thu nhập khoảng 100.000 đồng. So với đi làm thuê, làm mướn thì thu nhập này cao hơn nhiều.
Bãi triều Cồn Chiêm – nơi mưu sinh của nhiều người dân ở phường Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc.
Hôm nay, thủy triều xuống sớm, nước đã rút ra xa hơn. Vì thế, anh Mấu Dia (xã Cam Phước Đông) vừa ăn cơm trưa xong đã vội vã đạp xe từ nhà ra bãi triều với hy vọng bắt được nhiều sò hơn để có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Anh Dia cho biết: “Nhà tôi có 5 người. Mẹ đã lớn tuổi, vợ phải ở nhà chăm con nhỏ và làm việc nhà nên một mình tôi đi gần 20 cây số xuống bãi Cồn Chiêm để bắt sò. Mỗi con nước, tôi kiếm được khoảng 80.000 – 100.000 đồng, cũng đủ tiền mua gạo, thức ăn cho cả nhà…”.
Chị Phan Thị Miên (xã Cam Thành Nam) mới 35 tuổi mà trông như đã hơn 45 tuổi. Những lo toan cuộc sống đè nặng lên đôi chân gầy yếu của chị. Xách thùng gáo khoảng hơn 3kg, chị cho biết: “Hôm nay, tôi phải về sớm để bán mớ gáo vừa đào được; với giá 20.000 đồng/kg, tôi cũng kiếm được 60.000 đồng, có thêm ít tiền để đưa con đi khám bệnh”.
Bà Phan Thị Xuyến đang mò bắt sò.
Ngoài hàng trăm người dân ở phường Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, đã có không ít người từ các địa phương khác ở TP. Cam Ranh tìm đến bãi triều Cồn Chiêm để mưu sinh. Hơn 10 năm nay, việc đào phi, mò sò đã trở thành nghề của họ. Tùy theo con nước, bất kể ngày hay đêm, mỗi khi nước rút, họ lại vác đồ nghề ra bãi triều. Mùa này, thủy triều thường rút ra xa để lại bãi đất trống trong nhiều giờ, nên người dân đi bắt sò, phi, gáo… rất đông. Có người đi làm từ 14 đến 17 giờ, cũng có người tranh thủ làm từ 17 đến 21 giờ để kiếm thêm thu nhập. Trung bình, mỗi con nước, một người có thể bắt được 7 – 8kg sò, gáo các loại, bán cho các đầu nậu thu mua làm thức ăn cho tôm hùm, thu nhập mỗi người cũng được khoảng 100.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Nghĩa cho biết: “Khu vực bãi triều Cồn Chiêm đã tạo việc làm cho nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn và các xã lân cận. Nghề này rất vất vả, có người bị vỏ hàu cắt đứt chân tay, bị nhiễm trùng; có người vì kiệt sức, say nắng mà ngất xỉu… Tuy vậy, nhờ các hộ nuôi tôm hùm tiêu thụ ổn định nên thu nhập của mỗi người đi mò sò, đào phi cũng khá so với nhiều nghề khác. Vì vậy, người dân đi làm nghề này rất đông, lúc cao điểm trên bãi triều này có hàng trăm người”.
Kéo dài từ phường Cam Nghĩa đến phường Cam Phúc Bắc, bãi triều Cồn Chiêm là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sinh trưởng của nhiều loại động vật thân mềm và giáp xác, trong đó có hàu, phi, gáo… “Khi nghề nuôi tôm hùm ngày càng phát triển, việc người dân khai thác một cách tự phát, ồ ạt đối với các loại sinh vật này đã khiến số lượng các cá thể sò, phi… ngày càng ít đi. Chính vì vậy, chúng tôi đã hướng dẫn cho người dân khai thác nguồn lợi này một cách hợp lý, vừa khai thác vừa bảo vệ để tránh ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên cũng như đời sống”, ông Thắng chia sẻ.