Trời tối như mực, ba người trên một chiếc thuyền lênh đênh giữa mặt hồ bao la, gió lạnh lẽo thổi từng cơn tê tái, mặt nước mênh mang gợn từng đợt sóng nhấp nhô… Tôi đang chứng kiến một chuyến đánh cá đêm lắm nhọc nhằn của những cư dân vùng hồ Cấm Sơn.
Quanh năm với sóng nước
Bao đời nay, người dân 4 xã Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn, Tân Sơn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) coi nguồn thủy sinh ở hồ Cấm Sơn là một phần quan trọng của cuộc sống. Hầu hết các gia đình tại đây đều có lưới vương, lưới chùm, vó, rọ tôm, thuyền nan, thuyền máy và cần câu cá. Nhà ít thì đánh bắt đủ cá tôm để cải thiện bữa ăn, còn hộ nhiều thì đánh bắt quanh năm để kiếm kế mưu sinh. Tuy nhiên, để có được những mẻ tôm cá tươi rói đưa lên chợ vào buổi sớm, ngư dân chịu không ít nhọc nhằn, nguy hiểm. Hai thanh niên người Nùng, Vi Văn Đương (33 tuổi) và Giáp Văn Tuất (30 tuổi) ở làng Mấn, xã Tân Sơn đã cho tôi được tận mục sở thị những nhọc nhằn của một chuyến đánh cá đêm trên hồ nước rộng chừng 2.650 ha này.
Ngư dân mưu sinh trên lòng hồ Cấm Sơn.
Sẩm tối, anh Đương ra cửa nhà nghe ngóng một hồi rồi quả quyết, “Đêm nay trời yên, gió lặng dễ được cá to”, cơm nước xong chúng tôi chuẩn bị đồ nghề… “ra khơi”. Dưới màn đêm tĩnh mịch, cảnh vật im lìm tưởng như có thể cảm nhận rõ nhịp “thở” thì thào của hồ nước đầy. Thuyền máy nổ bình bịch đi khá xa bờ. Phía bên kia, ánh đèn của các thuyền đánh cá đêm cũng đang nhấp nháy. Chúng tôi trở nên thật nhỏ bé giữa một vùng sóng nước bạc trắng. Trên đất liền, điện nhà ai vẫn leo lét từng đốm nhỏ thưa thớt, tiếng chó sủa vọng lại buồn hiu hắt. Đến khu vực Đồng Héo, anh Đương cho thuyền từ từ áp gần một đảo nổi và lấy chiếc lưới 3 lớp dài vài chục mét tung ra quây trọn một góc để chờ luồng cá đi vào. Anh bảo: “Tưởng đơn giản nhưng nếu không biết cách thì cá tôm chẳng thấy đâu mà toàn đám rong rêu”.
Theo kinh nghiệm, phải đánh cá vào ban đêm mới hiệu quả vì các loài cá trắm, chép, mè… thường “ngủ ngày cày đêm”. Tuy nhiên không phải khu vực nào cá cũng tập trung nhiều, dân lâu năm thường tìm đến Suối Khon, Đồng Thình, đảo Lăn Lóc… Ở đây nguồn thức ăn phong phú nên cá, tôm hay tụ tới. Thấy lưới động mạnh, anh Tuất bèn đẩy thuyền ra xa và nhấc lưới, một chú cá chép chừng 2 kg vừa bị vướng vào một mớ bong bong và nằm gọn trong khoang thuyền… Thuyền chúng tôi lại nổ máy chuyển địa điểm, cứ thế đến gần sáng thì thu lưới về nhà.
Không có ruộng, chị Vi Thị Thúy vợ anh Tuất chỉ biết đi chợ bán cá và lên rừng lấy củi.
Kể về nỗi vất vả của nghề đánh cá đêm, anh Đương rành rọt: “Nhọc lắm chú ơi, trời tối vậy nếu không thạo địa bàn thì thuyền sẽ đâm vào đảo hay các bụi tre giữa hồ và lật úp ngay. Có hôm đang đi thì thuyền hỏng máy, giữa mênh mông chẳng biết nhờ cậy ai nên đành căng bạt trên thuyền ngủ một giấc đến tận sáng. Lại thêm nguy hiểm luôn rình rập, khi mưa bão, sóng to gió lớn, sấm sét đùng đoàng không về nhà được, phải cho thuyền dạt vào bờ úp chiếc thuyền xi măng nhỏ xuống để chui vào trong ngủ. Cũng có đêm trời rét, lưới bị mắc vào khúc gỗ, tôi phải lặn xuống nước mà gỡ, lúc lên thuyền, mình mẩy run bần bật”…
Trông vào ngày mai…
Sinh ra và lớn lên giữa ốc đảo hoang vắng, chuyện học đành phải dở dang, đánh cá là “cần câu cơm” duy nhất mà bố mẹ truyền lại cho anh Đương, anh Tuất. Có lẽ vậy mà hai chàng trai người Nùng này thông thạo từng ngõ ngách của hồ Cấm Sơn. Đi hồ từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, thành quả thu được là 5 kg gồm cá chép, chạch chấu và vài con lươn, vợ các anh mất cả buổi sáng đi chợ bán được 400.000 đồng. Chia đôi số tiền đó mỗi người được 200.000 đồng, đây cũng là thu nhập chính của gia đình các anh. Vợ anh Tuất, chị Vi Thị Thúy nói: “Không có ruộng, tôi chỉ biết đi chợ bán cá và lên rừng lấy củi, tất cả cuộc sống đều trông vào những đêm may rủi của chồng. Nếu may mắn thì khoang nặng cá đầy, kiếm đủ tiền đong gạo và đóng học cho lũ trẻ, nhưng cũng có khi phải về tay trắng”.
Làng Mấn nằm biệt lập giữa bốn bề sóng nước, muốn đến đây không cách gì khác là đi thuyền, thuyền cũng là phương tiện duy nhất để đi từ nhà nọ sang nhà kia. Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Duy Tùng cho hay: Thôn chúng tôi có 64 hộ (chủ yếu là dân tộc thiểu số) nhưng có tới hơn 60% thuộc diện nghèo, trước đây mỗi gia đình đều có vài sào ruộng để trồng lúa và hoa màu nhưng khoảng 3 năm nay mực nước hồ dâng cao tới 4 – 5 m nên ruộng đất bị chìm ngập hết, thậm chí nhiều vườn cây ăn quả cũng héo úa vì bị úng lụt nên đã nghèo càng nghèo thêm. Cái khó ló cái khôn, ruộng ngập thì nghề chài lưới dù trước đây là phụ nhưng giờ đã trở thành nghề chính của không ít gia đình. Giải thích về mực nước hồ dâng cao, anh Tùng bảo, một phần do mấy năm nay lượng mưa nhiều, mặt khác nghe đâu nhà nước đang tích nhiều nước để phát triển dự án du lịch…
Chính quyền và người dân thôn Mấn đang nuôi một tia hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn khi khu du lịch Cấm Sơn được đầu tư và phát triển. Họ đang ý thức được rằng những con cá hôm nay vẫn đang từng ngày giúp ích cho cuộc sống của mình và cho con em có cái chữ. Nhưng không biết rồi đây, điều mà anh Đương, anh Tuất và thậm chí cả đồng chí Bí thư chi bộ thôn Mấn đang mong đợi có trở thành hiện thực. Chỉ biết rằng, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn còn trên 60%.