(TSVN) – Theo trang điện tử Undercurrent News đưa tin ngày 26/3/2024, kể từ cuối tuần này, ba quốc gia Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam buộc phải trả thuế đối kháng (CVD) từ dưới 2% cho tới 196% khi xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ. Indonesia – nguồn cung tôm lớn thứ 3 của Mỹ được “thoát khỏi” cáo buộc.
Các mức thuế sẽ chính thức có hiệu lực ngay sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đăng tải trên Công báo (Federal Register – Tạp chí chính thức của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có chứa các quy tắc của cơ quan chính phủ, các quy tắc được đề xuất và thông báo công khai) trong vài ngày tới.
Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam bị áp CVD từ 2% – 196% khi xuất khẩu tôm sang Mỹ. Ảnh minh họa
Thuế sẽ được hoàn trả nếu các nhà điều tra nhận thấy quốc gia đó không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại tới ngành tôm nước Mỹ. Tuy nhiên, phải tới mùa thu hoặc mùa đông năm 2024 mới có quyết định cuối cùng, có nghĩa là các nhà nhập khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí từ thời điểm này cho đến hết năm.
Ngay khi có công bố chính thức về quyết định của chính phủ, các nhà nhập khẩu tôm từ Ấn Độ sẽ bị yêu cầu ký quỹ 4,72% đối với tôm nhập khẩu từ Devi Sea Foods; 3,89% từ Sandhya Aqua Exports; và 4,36% từ các nhà cung cấp khác. Trong khi đó các công ty nhập khẩu tôm từ Ecuador sẽ bị yêu cầu ký quỹ 13,41% đối với tôm nhập khẩu từ Industrial Pesquera Santa Priscila; 1,69% từ Sociedad Nacional de Galapagos (SONGA); và 7,55% từ các nhà cung cấp khác của Ecuador. Đối với tôm Việt Nam, mức ký quỹ 2,84% sẽ được áp dụng cho Stapimex; 196,41 cho Thong Thuan; và 2,84% cho các công ty còn lại.
DOC cho biết sẽ gỡ bỏ cáo buộc cho các công ty Indonesia. Theo đó, không có yêu cầu ký quỹ được áp dụng.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, năm 2023, bốn quốc gia bị điều tra (Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Indonesia) cung cấp 709.804 tấn tôm cho Mỹ (chiếm 90% tổng số tôm nhập khẩu vào Mỹ), trị giá 5,6 tỷ USD (chiếm 87%). Trong đó, 296.243 tấn từ Ấn Độ, 205.684 tấn từ Ecuador, 146.258 tấn từ Indonesia, và 61.516 tấn từ Việt Nam.
Quyết định ngày 26/3 của chính phủ Mỹ được đưa ra sau những điều tra liên quan tới đơn tố cáo của Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA) – một tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và chế biến tôm ở Mỹ, hằng năm cung cấp 85% sản lượng tôm nước ấm đông lạnh cho tiêu dùng nội địa. ASPA đã cáo buộc các loại tôm nhập khẩu được bán với giá rẻ tại Mỹ là nhờ vào các chương trình hỗ trợ ngành tôm của nước xuất khẩu, hành động này đã gây tổn hại tới ngành tôm nội địa Mỹ. ASPA dẫn chứng bằng những tài liệu chứng minh “hàng tá các chương trình trợ cấp của chính phủ” hỗ trợ người nuôi tôm và chế biến tôm tại bốn quốc gia kể trên như: vay nợ được trợ cấp, ưu đãi thuế, các hỗ trợ tài chính, tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ đất, nước và các nguồn nguyên liệu khác.
Sau khi nhận được thông tin, phía Ecuador hy vọng mức CVD 13,41% mà Mỹ áp cho công ty Industrial Pesquera Santa Priscila – nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất Ecuador – là một sai lầm.
Ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch điều hành của Phòng Nuôi trồng thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA), bày tỏ lo ngại về tính chính xác của tỷ lệ CVD mà Mỹ công bố. Ông nói: “Hôm nay chúng tôi nhận thông báo về kết quả của điều tra sơ bộ trường hợp thuế đối kháng. Chúng tôi chỉ nhận được thông tin qua một cuộc điện thoại. Sự khác nhau trong tỷ lệ CVD – xây dựng dựa trên từng chương trình trợ cấp – khiến chúng tôi cho rằng có thể có sai lầm trong tính toán”.
Ông Camposano tuyên bố: “Ngay khi nhận được bảng tính toán của DOA, chúng tôi sẽ tiến hành trình nộp yêu cầu rà soát. Hành động này phù hợp với quy định của tiến trình điều tra. Mục đích của chúng tôi là tỷ lệ CVD được chỉnh sửa đúng”. Phía các luật sư của Ecuador cũng cho rằng Santa Priscilla chỉ bị áp thuế 2%.
>> Tuy nhiên đây không phải lĩnh vực mới mẻ bởi các nhà nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam đã từng đối mặt với cuộc điều tra thuế đối kháng cách đây một thập kỷ. Khi đó, Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam bị "buộc tội" trợ cấp các nhà xuất khẩu và phải chịu mức thuế đối kháng từ 1,15% đến 13,51%. Nhưng ngay sau đó Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã can thiệp và nhận thấy các nhà sản xuất và chế biến tôm Mỹ không có đủ bằng chứng chứng minh mình chịu thiệt hại từ những chương trình trợ cấp này.
An Vy (Theo Undercurrentnews)