Mỹ: Đo chất lượng thịt cá hồi bằng thiết bị cầm tay

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các hãng chế biến cá hồi ở vịnh Bristol, Alaska sử dụng thiết bị phân tích trở kháng điện sinh học để đo nhanh chất lượng sản phẩm sau đánh bắt. Đây cũng là một phần trong cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vịnh Bristol là khu vực khai thác cá hồi hoang dã quy mô nhất thế giới. Cơ quan quản lý khai thác cá Alaska dự kiến khai thác hơn 36 triệu con cá hồi sockeye trong mùa này. Vụ khai thác kéo dài từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8. 

Hiệp hội thủy sản vịnh Bristol (BBRSDA) đang hợp tác với công ty CQ Foods để tăng giá trị sản phẩm sau khai thác cho ngư dân, đồng thời nâng cấp chuỗi cung ứng cá hồi. Ngư dân và nhà máy chế biến có thể sử dụng dữ liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm để điều chỉnh hoạt động khai thác và chế biến cá. CQR 3.0 cũng cung cấp phương thức thay thế để thanh toán tiền thưởng. Hầu hết các hãng chế biến cá hồi vịnh Bristol thưởng thêm tiền cho những con cá được ướp lạnh ở nhiệt độ chuẩn. Nhưng ngư dân phải đợi cho đến khi cá vừa mới đánh bắt đạt nhiệt độ thích hợp để đủ điều kiện nhận tiền thưởng. Ngày nay, với thiết bị CQR 3.0 đo chất lượng thịt cá hồi, ngư dân không còn mất nhiều thời gian chờ đợi như trước đây.

Thiết bị CQR 3.0 của CQ Foods còn có thể đo lường nhanh chất lượng thịt của các loại gia súc, gia cầm, tôm và nhiều loại hải sản khác. Ảnh: GSA

Andy Wink giám đốc điều hành BBRSDA cho biết, giải pháp đo chất lượng thịt cá mở ra hướng phát triển cho nghề khai thác cá hồi vịnh Bristol. Khu vực này cung cấp hơn một nửa cá hồi sockeye cho thị trường thế giới. Nhờ ứng dụng CQR 3.0, cá hồi của Bristol được tối đa hóa độ tươi mới, giúp quy trình kiểm soát chất lượng và đóng gói hiệu quả hơn. Ngoài cá hồi, thiết bị CQR 3.0 của CQ Foods có thể đo nhanh chất lượng thịt gia súc, gia cầm, tôm và nhiều loại hải sản khác.

Keith Cox, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Khoa học của CQ Foods cho biết vịnh Bristol là thách thức cuối cùng của công nghệ này. Khu vực khai thác này tương đối xa xôi, cộng với sản lượng khổng lồ nên các thiết bị đo chất lượng phải hoạt động chính xác ngay trong môi trường ẩm ướt, thường là biển động. Ngoài ra, thiết bị này có khả năng hoạt động ngoại tuyến, vì internet không đáng tin cậy hoặc không khả dụng. Toàn bộ thách thức của vùng vịnh Bristol đã được xử lý và khắc phục để tạo ra phiên bản CQR 3.0 mới của thiết bị CQR và nền tảng phân tích, đồng thời giảm đáng kể chi phí sản xuất. 

Đan Linh

(Theo Fishfarmingexpert)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!