Mỹ: FDA tiến hành khảo sát kiểm tra hàm lượng thủy ngân trong hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành một cuộc khảo sát nhằm hiểu rõ hơn về hàm lượng thủy ngân trong các sản phẩm hải sản dành cho người tiêu dùng nước này.

Theo thông báo ngày 7/6 của FDA, cơ quan này đang tìm kiếm một nhà thầu thực hiện cuộc khảo sát thay cho Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng kiểm tra khoảng 600 sản phẩm hải sản để tìm thủy ngân và metyl thủy ngân. Dự kiến cuộc khảo sát hoàn thành trong 18 tháng.

Các sản phẩm được kiểm tra bao gồm tôm, cá hồi, cá ngừ đóng hộp, cá rô phi, cá minh thái Alaska, cá tuyết, cua, cá da trơn, cá tra, sò điệp và cá thu đóng hộp. Khảo sát sẽ thu thập 50 mẫu của mỗi danh mục từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nhà bán lẻ trực tuyến, chợ tư nhân và chuỗi siêu thị quốc gia, từ ít nhất hai thành phố lớn của Mỹ. Khảo sát cũng sẽ thu thập các mẫu bổ sung ngẫu nhiên để đáp ứng ngưỡng 600 mẫu.

Mỹ khảo sát hàm lượng thủy ngân trong hải sản nhằm đưa ra lời khuyên thiết thực cho người tiêu dùng nước này. Ảnh: Adobestock

FDA cho biết cuộc khảo sát sẽ không sử dụng cho hành động quản lý trực tiếp mà sẽ thông báo về các vấn đề khoa học liên quan đến an toàn thực phẩm và hướng dẫn chính sách. FDA trước đây cũng đã thực hiện một chương trình giám sát để theo dõi nồng độ thủy ngân trong cá từ năm 1990 – 2010.

Cuộc khảo sát mới là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm cập nhật lời khuyên về lượng hải sản mà phụ nữ mang thai và trẻ em nên tiêu thụ. Trước đó, năm 2004, cơ quan này đã đưa ra thông báo khuyến cáo phụ nữ mang thai, phụ nữ có thể mang thai, bà mẹ đang cho con bú và trẻ nhỏ tránh ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, ngoài ra còn có cá thu vua, cá cờ, cá nhám cam, cá mập, cá kiếm, cá ngừ mắt to và cá ngói từ Vịnh Mexico là những loại cá cần tránh.

Năm 2022, FDA đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia (NASEM) tiến hành một nghiên cứu độc lập để xác định vai trò của hải sản đối với sự phát triển của trẻ em. Nghiên cứu này sẽ hỗ trợ “Kế hoạch Hành động từ gần tới không” của FDA, nhằm mục đích giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với thủy ngân, asen, chì và cadmium.

“Hải sản là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng trong thời kỳ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ nhằm hỗ trợ sự phát triển não bộ, tủy sống và hệ thống miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, hải sản lại là nguồn đưa thủy ngân chính vào cơ thể qua chế độ ăn uống, chất này lan truyền khắp môi trường bởi cả quá trình tự nhiên và nhân tạo. Thủy ngân có thể làm hỏng hệ thần kinh, đồng thời trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn trước những tác hại của thủy ngân đối với sức khỏe”, FDA cho biết.

Hải Phong

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!