(TSVN) – Theo công ty nghiên cứu thị trường 210 Analytics, trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng doanh số bán hải sản tươi sống trong các siêu thị tại Mỹ vượt xa tốc độ tăng trưởng của các loại thủy sản được bảo quản đông lạnh và đóng hộp.
Cụ thể, doanh số bán lẻ các mặt hàng thủy sản chung đạt 8,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, doanh số bán các mặt hàng tươi sống đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,6% về giá trị và 5% về khối lượng so cùng kỳ năm 2020. Doanh số sản phẩm thủy sản đông lạnh đạt 3,7 tỷ USD, tăng 2,5% về giá trị nhưng giảm 1,5% về khối lượng so với nửa đầu năm 2020. Doanh số các mặt hàng thủy sản ổn định trên kệ bị thiệt hại đáng kể về khối lượng và giá trị lần lượt là 19% và 20%, tổng doanh thu đạt 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp những con số thất vọng trong nửa năm qua, doanh số bán thủy sản ổn định trên kệ trong tháng 6 đạt 194 triệu USD, tăng 6,7% so cùng kỳ năm 2019. Doanh số bán sản phẩm cá ngừ trên kệ trong tháng 6 đã vượt qua doanh số bán hàng của nửa năm 2019 khoảng 3,4%, đạt 145 triệu USD.
Ưa chuộng hải sản tươi sống
Doanh thu từ hải sản tươi sống đạt trung bình 158,5 triệu USD/tuần trong tháng 6. Trong khi mức tăng của đồng USD mỗi tuần thấp hơn so với một năm trước, so với doanh thu hàng tuần của tháng 6/2019 đối với hải sản tươi sống, đã tăng trung bình 33%.
Tuần thứ ba trong tháng 6, ghi nhận doanh thu ngày lễ Ngày của Cha, đạt doanh thu 181 triệu USD, giảm 15,6% so năm 2020 do khối nhà hàng, dịch vụ vẫn đang đóng cửa.
Đối với hải sản tươi sống, doanh thu của cá có vây cao hơn nhóm động vật có vỏ ở mức 297 triệu USD so với 252 triệu USD.
Cá có vây cũng có hiệu suất đồng USD và khối lượng tốt hơn so năm 2020. Tuy nhiên, bức tranh này có phần sai lệch khi động vật có vỏ có doanh thu tốt trong suốt năm 2020. Theo báo cáo của 210 Analytics, khi so sánh với năm 2019, động vật có vỏ dẫn đầu tăng trưởng ở mức 44,3% so với mức bình thường trước đại dịch, tiếp theo là 22,2% đối với cá có vây.
Tăng trưởng mặt hàng cá hồi và cua
Trong suốt năm 2020, doanh số bán cá hồi và cua dẫn đầu so với tất cả các loại hải sản tươi sống khác. Cá hồi là mặt hàng bán chạy nhất trong danh mục hải sản tươi sống, với doanh thu tháng 6/2021 là 188 triệu USD. Điều này phản ánh mức tăng 24,2% so với mức bình thường trước đại dịch năm 2019, nhưng giảm 3,1% so năm 2020.
Nhìn chung, doanh số bán các mặt hàng hải sản tươi sống trong tháng 6 đã tăng hơn mức của năm 2019, nhưng thấp hơn năm 2020, ngoại trừ cá hồi và cá ngừ hun khói đều tăng trong hai năm này.
Thủy sản đông lạnh giảm
Trong suốt năm 2020, thủy sản đông lạnh là thương hiệu dẫn đầu tăng trưởng trong danh mục bán thực phẩm đông lạnh, nhưng xu hướng hiện tại đã thay đổi. Theo 210 Analytics cho biết: Thủy sản đông lạnh hoạt động tốt trong suốt quý đầu tiên, nhưng không thể tiếp tục giữ con số này ở trong quý II.
Tháng 6/2021, doanh số bán thủy sản đông lạnh là hơn 585 triệu USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 43,9% so năm 2019.
Tương tự đối với các mặt hàng thủy sản đông lạnh lớn khác, doanh số bán hàng sụt giảm vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tháng 6/2019. Cụ thể, tôm nguyên liệu đông lạnh đạt 185 triệu USD trong tháng 6, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 59% so với tháng 6/2019.
Ảnh hưởng lạm phát giá
Giá thực phẩm ở cả cơ sở bán lẻ và nhà hàng đang có mức lạm phát đáng kể. Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), trong tháng 6, giá thực phẩm nói chung đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. BLS dự báo giá thực phẩm bán lẻ sẽ tăng từ 1,5 – 2,5% trong năm 2021. Con số này cao hơn mức tăng 3,4% vào năm 2020.
Theo khảo sát của IRI về những người tiêu dùng, 32% cảm thấy giá cao hơn nhiều so với trước COVID-19 và 49% tin rằng chúng cao hơn một chút.