(TSVN) – Mới đây, Mỹ đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam, cùng một số nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, nhằm chống nạn đánh bắt cá trái phép trên biển.
Tại Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 2 khai mạc ở TP Lisbon (Bồ Đào Nha) ngày 27/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác và thực thi pháp luật của chính phủ Mỹ về việc chống đánh bắt bất hợp pháp và sử dụng lao động cưỡng bức. Nhà Trắng cho biết, Mỹ có kế hoạch tham gia với Ecuador, Panama, Senegal, Đài Loan và Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp hay các trường hợp đánh bắt không báo cáo và không theo quy định (IUU). Một quan chức chính quyền cho biết, Mỹ xác định hợp tác với 5 quốc gia trên không phải vì họ là những quốc gia vi phạm IUU mà vì họ sẵn sàng làm việc với Mỹ để chống lại hành động đánh bắt trái phép.
Trong tuyên bố cùng ngày, Mỹ khẳng định cũng sẽ thành lập một liên minh với Canada và Vương quốc Anh để “hành động khẩn cấp” nhằm cải thiện việc giám sát và kiểm soát trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Các quan chức Mỹ cam kết sẽ đưa ra các chính sách đối phó với nạn đánh bắt bất hợp pháp, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như một phần nỗ lực tăng cường can thiệp vào khu vực này của Washington.
Ngày 27/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác và thực thi pháp luật của chính phủ Mỹ về việc chống đánh bắt bất hợp pháp và sử dụng lao động cưỡng bức. Ảnh: US Embassy
Bản ghi nhớ do Tổng thống Biden ký ngày 27/6 nêu rõ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ phối hợp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); nhằm khuyến khích xây dựng chương trình hỗ trợ kỹ thuật để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong hoạt động đánh bắt cá, đồng thời sẽ gắn các nỗ lực này với Kế hoạch Hành động Mỹ – ASEAN.
Được biết, Mỹ sẽ thành lập đoàn công tác gồm 21 cơ quan liên bang và sẽ phát hành chiến lược quốc gia 5 năm về chống đánh bắt IUU vào cuối tháng 7. Nhà Trắng cho biết nhiệm vụ chính của nhóm công tác là “nhằm chống đánh bắt IUU, hạn chế buôn bán toàn cầu đối với cá và sản phẩm từ cá trong các hoạt động này, đồng thời thúc đẩy an ninh hàng hải toàn cầu, hợp tác với các chính phủ và cơ quan chức năng khác, ngành hải sản, học viện và các bên phi chính phủ liên quan”.
Chính quyền Tổng thống Biden cho biết, mặc dù bản ghi nhớ không nhắm tới cụ thể một quốc gia nào song quan chức nước này vẫn chỉ ra Trung Quốc là một trong những quốc gia vi phạm nhiều nhất. Trung Quốc là một trong các quốc gia vi phạm việc đánh bắt cá nhiều nhất trên thế giới, cũng như cản trở việc thực thi các biện pháp chống đánh bắt IUU và đánh bắt quá mức của các tổ chức quốc tế.
Ngày 27/6, NOAA cũng đề xuất quy tắc để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và các vấn đề về quyền lao động khác trong ngành thủy sản. Theo đó, các quy tắc mới ban hành của NOAA sẽ đảm bảo tính nhất quán với Kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn, xác định và loại bỏ đánh bắt IUU. Những hành động mới này được xây dựng dựa trên những thông báo quan trọng mà Nhà Trắng đưa ra vào đầu tháng này nhằm bảo tồn và phục hồi sức sống cũng như năng suất của đại dương. Đồng thời, đây cũng được xem là cam kết của Mỹ trước thềm tham dự Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc diễn ra tại Bồ Đào Nha.
An An
Tổng hợp