(TSVN) – Quyết định cuối cùng về việc tôm nhập khẩu có bị áp thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá hay không, sẽ được chính phủ liên bang công bố vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm 2024. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 năm sau, các nhà nhập khẩu tôm sẽ chịu một “đòn giáng” vô cùng lớn.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) mới đây đã bỏ phiếu kín với tỷ lệ 4-0, ủng hộ tiếp tục điều tra sự việc trong đơn cáo buộc của Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA) về việc tôm nhập khẩu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tôm nội địa và yêu cầu áp thuế lên tôm nước ấm nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam.
ITC sẽ tiếp tục điều tra vụ việc liên quan đến thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng theo đơn của ASPA. Ảnh minh họa
Quyết định này của ITC có thể khiến tôm nhập khẩu từ bốn quốc gia nói trên bị áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Theo đó, từ tháng 3/2024, giá tôm nhập khẩu tại thị trường Mỹ sẽ tăng giá.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy ITC đã thu thập đủ bằng chứng chứng minh các nhà thu hoạch và chế biến tôm nội địa đã chịu rất nhiều “thiệt thòi” khi tôm nhập khẩu tràn lan xuất hiện trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc tôm nhập khẩu có bị áp thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá hay không, sẽ được chính phủ liên bang công bố vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm 2024. Công ty luật Akin Gump cho rằng cuộc điều tra sẽ kết thúc và quy định sẽ được ban hành vào tháng 12/2024, trong khi hãng luật White & Case dự đoán thời điểm công bố quyết định là tháng 10/2024.
Như vậy, các nhà nhập khẩu tôm sẽ chịu một “đòn giáng” ngay sau ngày 25/3/2024. Đó là thời điểm DOC sẽ đưa ra quyết định điều tra sơ bộ về việc bốn quốc gia Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam có đang được nhận trợ cấp đối kháng hay không; nếu có, bốn quốc gia này sẽ bị buộc phải ký quỹ một khoản tiền tương đương để phủ quyết số tiền trợ cấp đó.
Nếu tháng 3/2024 DOC tiếp tục cuộc điều tra thì tổng số tiền các nhà nhập khẩu phải bỏ ra sẽ phụ thuộc vào mức độ trợ cấp được xác định (nếu có). Cách đây 10 năm, DOC đã từng thực hiện một cuộc điều tra thuế đối kháng liên quan tới tôm, theo đó Ecuador đã phải chịu mức thuế 10,13 – 13,51%, Ấn Độ 10,54 – 11,14%, và Việt Nam 1,15 – 7,88%.
Liên quan nội dung về thuế chống bán phá giá mà ASPA đề cập đến tôm nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, ASPA hy vọng báo cáo điều tra sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 5/2024. Hiệp hội này đã ám chỉ nhắc đến Đạo luật Resilient Communities 2023 được soạn thảo và chấp thuận bởi các Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin và Bill Cassidy, theo đó hàng trăm triệu đô la Mỹ thu được từ thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng sẽ được chuyển tiếp tới những cộng đồng/đối tượng chịu thiệt hại từ các hoạt động thương mại không công bằng.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)