THỨ BA, ngày 1/4/2025

Mỹ: Kêu gọi chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các dự án nuôi thủy sản ở nước ngoài

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Liên minh tôm miền Nam (SSA) kêu gọi chính phủ Mỹ chấm dứt viện trợ cho các dự án nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài, trong đó có hoạt động nuôi tôm nhằm giảm tình trạng dư cung tôm toàn cầu và bảo vệ ngành tôm nội địa.

Năm vừa qua, ngư dân đánh bắt tôm ở Georgia bội thu sản lượng, theo ông John Wallace, chủ sở hữu Anchored Shrimp và thành viên ban quản trị của Liên minh Tôm miền Nam (SSA). Nhưng nhiều con tàu vẫn nằm bờ, vì tôm nhập khẩu tiếp tục tràn vào thị trường, kéo giá xuống thấp và đe dọa kế sinh kế của cộng đồng ngư dân đánh bắt tôm ở khu vực Đông Nam.

Do đó, SSA đã gửi thư tới các chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đề nghị chính phủ chấm dứt viện trợ cho các dự án nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài. “Các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới đang tài trợ cho những dự án này và xóa nợ, vì vậy về cơ bản đây là một khoản trợ cấp” ông Wallace nói. “Chúng tôi đang phải cạnh tranh với các hành vi thương mại không công bằng”.

Trong bức thư ngày 30/1 gửi đến các chủ tịch, Giám đốc Điều hành SSA, ông John Williams cho biết, nguồn quỹ phát triển do Mỹ hậu thuẫn đang chi trả cho các dự án nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, góp phần vào hơn 1,3 tỷ pound tôm nuôi nhập khẩu tràn vào thị trường Mỹ mỗi năm.

Một báo cáo năm 2023 của SSA có tên “Cuộc khủng hoảng do chúng ta gây ra” đã ghi nhận rất nhiều dự án được Mỹ hỗ trợ tại các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, trong đó có các dự án nuôi tôm quy mô lớn. Báo cáo cho thấy những sản phẩm này thường không được kiểm soát kháng sinh và phụ gia, hoặc liên quan đến phá hủy rừng ngập mặn và đôi khi sử dụng lao động cưỡng bức.

Gần đây nhất là Dự án Chuyển đổi chăn nuôi và thủy sản Sindh tại Pakistan, được Mỹ hỗ trợ tháng 6/2024. Dự án này nhằm tận dụng tiềm năng xuất khẩu của tôm cùng với các loại thủy sản nuôi khác. SSA cho biết, tất cả các dự án như vậy đều tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung tôm trên toàn cầu, kéo giá xuống và đe dọa ngành công nghiệp thủy sản của Mỹ.

“Theo ước tính của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), 94% tổng số thủy sản tiêu thụ tại Mỹ là hàng nhập khẩu. “Tỷ lệ tôm nhập khẩu tại Mỹ cũng tương tự, khiến thị phần của tôm nội địa sụt giảm mạnh từ 11% vào năm 2013 xuống 6% vào năm 2023,” SSA trích dẫn. Cơ quan nghề cá, thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) báo cáo giá trị sản lượng đánh bắt tôm của Mỹ cũng giảm từ 522 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 268 triệu USD vào năm 2023 và giữ nguyên vào năm 2024.

Khi giá tôm xuống thấp và chi phí đánh bắt ngày càng tăng, nhiều ngư dân phải tạm dừng hoạt động, Wallace cho biết. Giá tôm đã nhích lên một chút vào năm 2025 nhưng lợi nhuận của ngư dân vẫn mong manh. Đội tàu đánh bắt tôm ngày càng già cỗi và cần bảo trì liên tục đã kéo theo nhiều rắc rối, ông cho biết. “Nhiều tàu thậm chí còn không ra khơi trong mùa đánh bắt năm nay,” ông Wallace nói.

SSA hy vọng các thượng nghị sĩ trong các ủy ban sẽ thông báo cho Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Ngoại trưởng Marco Rubio về vấn đề này, đồng thời thực hiện sắc lệnh hành pháp ngày 20/1 của Tổng thống Donald Trump, trong đó yêu cầu tạm dừng viện trợ nước ngoài cho các hoạt động nuôi thủy sản, gồm cả hoạt động nuôi tôm.

Dũng Nguyên

Theo Worldfishing 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!