(TSVN) – Trung tâm Công nghệ nuôi trồng thủy sản (CAT) vừa mở Trung tâm cải tiến gen di truyền tại San Diego, California, giúp tăng gấp 4 lần năng lực nghiên cứu di truyền tôm một cách hiệu quả.
CAT cho biết cơ sở này có phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ kỹ thuật chỉnh sửa bộ gen. Cùng đó là hệ thống bể rộng lớn, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng hóa di truyền tôm và đẩy nhanh quá trình nhân giống các thế hệ tiếp theo thông qua ứng dụng kỹ thuật chỉnh sửa bộ gen cải tiến.
Chỉnh sửa bộ gen cho phép tái tạo chính xác và nhanh chóng những thay đổi có thể xảy ra trong tự nhiên. Theo CAT, trung tâm cũng cam kết hỗ trợ các trang trại nuôi tôm tại Mỹ tăng hiệu quả sản xuất bằng chi phí ít hơn thông qua phát triển và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gen. Phương pháp này có thể giải quyết nhiều vấn đề mà những phương pháp nhân giống thông thường phải bó tay, từ đó đẩy nhanh tốc độ cải thiện gen di truyền của vật nuôi.
CAT đang đẩy nhanh công cuộc đổi mới ngành tôm nuôi tại Mỹ và tăng hiệu quả sản xuất thông qua công nghệ chỉnh sửa bộ gen. Ảnh: CAT
Quản lý phòng thí nghiệm, Matt Stone cho biết: “Tăng năng lực nghiên cứu và hiệu quả nuôi đồng nghĩa chúng tôi đang xây dựng nền móng vững chắc cho công cuộc đổi mới ngành tôm nuôi tại Mỹ; từ đó tăng hiệu quả sản xuất thông qua chỉnh sửa bộ gen. Theo Tiến sĩ John Buchanan, Giám đốc điều hành CAT, mở thêm trung tâm cải tiến gen di truyền tại San Diego là chiến lược củng cố vị thế của CAT với tư cách là công ty đi đầu trong cung cấp giải pháp di truyền giúp nuôi tôm hiệu quả hơn.”
Cơ sở mới tại San Diego là công trình tưởng nhớ Tiến sĩ Richard H Towner, một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực di truyền học và là cố vấn cấp cao của CAT. Những đóng góp quý giá của tiến sĩ Towner cho ngành nuôi trồng thủy sản và sự cố vấn của ông đối với nhiều nhà nghiên cứu đã thúc đẩy nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này. Cũng như San Diego, CAT có các cơ sở nghiên cứu ở hai địa điểm, Victoria và Souris trên đảo Prince Edward, thuộc Đại Tây Dương Canada.
Đan Linh
Theo Fishfarmingexpert