(TSVN) – Sau ngày 25/3/2022 lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản Nga vào thị trường Mỹ đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, những doanh nghiệp ký hợp đồng trước ngày ra sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden 11/3/2022 vẫn được phép nhận hàng.
Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) vừa phát hành bản cập nhật vào ngày 24/3 về việc lùi thời hạn thực thi lệnh cấm đến ngày 23/6/2022. Nhưng dĩ nhiên vẫn có điều kiện đi kèm. Theo OFAC, ngoại trừ quy định tại đoạn c) của giấy phép chung này, tất cả các giao dịch bị cấm theo mục 1 (a) (i) của E.O.14069 có nguồn gốc từ Nga nhưng cần thiết đối với việc nhập khẩu cá, hải sản và các chế phẩm của Mỹ và có hợp đồng bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ký kết trước ngày 11/3/2022 vẫn được cho phép đến 12:01 sáng theo giờ EDT ngày 23/6/2022.
Dựa theo cập nhật này, các sản phẩm thuỷ sản của Nga được phép vào Mỹ cho đến ngày 23/6/2022, với điều kiện công ty đó xuất trình được chứng từ chứng minh hợp đồng mua hàng được ký kết trước Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ đã tuyên bố vào ngày 11/3/2022.
Trước ngày 25/3, rất nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc sản phẩm được đặt hàng trước ngày 11/3 có bị trì hoãn hoặc phải lên kế hoạch nhận hàng sau thời hạn hay không. Tuy nhiên, giờ đây các nhà nhập khẩu có nhiều thời gian hơn để giải quyết công việc mà không phải yêu cầu gia hạn. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có còn nhu cầu với sản phẩm của Nga sau cuộc xâm lược của nước này đối với Ukraine hay không.
Trước khi có lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản của Nga vào thị trường Mỹ, một số công ty trong ngành đã ghi nhận tình trạng khách hàng chuyển dần từ các sản phẩm xuất xứ Nga sang sản phẩm của nước khác, nhưng đại đa số vẫn không muốn thay đổi.
Bà Loron Cartiglione, chuyên gia thị trường tại Urner Barry cho biết cá đáy chiếm một tỷ lệ lớn trong chuỗi dịch vụ ẩm thực – nơi mà khó có thể nhìn thấy nhãn mác xuất xứ. Nhưng các sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ lại chịu áp lực nhiều hơn. Hiện nay sắc lệnh đã có hiệu lực, nhu cầu với hàng thuỷ sản Nga vẫn không đổi, tuy nhiên, dung lượng thị trường giao ngay vẫn mỏng với phần lớn sản phẩm được sử dụng để thực hiện hợp đồng. Một khi những cam kết này được hoàn tất, thì thị trường sẽ thiếu hụt sản phẩm cho đến khi lệnh cấm được gỡ bỏ. Ngay trong thị trường cá tuyết cod, phần lớn nhu cầu đã chuyển hướng sang các sản phẩm của Iceland, dẫn đến mức giá cao kỷ lục tới hơn 3 USD/pound so với 12 tháng trước.
Theo ghi nhận của chuyên gia phân tích thị trường Janice Schereiber tại Urner Barry thì nhu cầu đối với các sản phẩm cua của Nga đang có sự xáo trộn. Đối với cua huỳnh đế, giá thị trường không đổi nhưng khuynh hướng tiềm tàng của thị trường thì luôn rối loạn với mức giá cao hơn. Thị trường cua huỳnh đế đỏ của Nga vào cuối tuần trước đã rơi vào trạng thái “chờ đợi và nghe ngóng”. Áp lực giảm giá xuất hiện một vài tuần trước sẽ biến mất trong ngắn hạn. Giữa tháng 3 không phải là thời điểm nhu cầu cao đối với cua huỳnh đế vì vậy chúng tôi sẽ theo dõi kỹ xem tình hình diễn biến thế nào, Janice cho biết.
Từ những nhận định trên, bà Janice cho biết thị trường cua tuyết của Nga sẽ có diễn biến rất khác biệt. Hiện tại, thị trường suy yếu với xu hướng tiềm tàng nhiều rủi ro. Trong khi đó, chỉ vài tuần tới Canada sẽ bước vào vụ khai thác cua tuyết, và trở thành nguồn cung chính cho thị trường Mỹ. Nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu thụ cua tuyết yếu hơn khi giá cua của Nga và Canada xuống thấp hơn.
Tuấn Minh
Theo Seafoodnews