THỨ BA, ngày 8/4/2025

Mỹ: Ngành tôm nội địa hưởng lợi từ chính sách thuế mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành tôm Mỹ hoan nghênh thuế quan mới như chiếc phao cứu sinh, khi chính quyền Trump áp thuế 10 – 46% lên tôm nhập khẩu.

Nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ và đảm bảo an ninh lương thực, chính quyền Trump đã áp thuế mới đối với các quốc gia xuất khẩu tôm chủ chốt, một quyết định được Liên minh Tôm miền Nam (SSA) hoan nghênh. Ông John Williams, Giám đốc Điều hành SSA, chia sẻ. “Quyết định của chính quyền Trump sẽ giúp bảo vệ việc làm của người Mỹ, đảm bảo an ninh lương thực và duy trì cam kết của chúng tôi với sản xuất có trách nhiệm.”

Ngành đánh bắt tôm của Mỹ đang chịu áp lực từ các chính sách thương mại bất công, bao gồm hàng tỷ đô la trợ cấp từ các tổ chức tài chính quốc tế nhằm phát triển ngành nuôi tôm nước ngoài, cũng như tình trạng lao động cưỡng bức, sử dụng thuốc kháng sinh bị cấm và các hoạt động gây hại môi trường, những yếu tố giúp các nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới giảm chi phí sản xuất.

Theo SSA, ngành công nghiệp tôm của Mỹ đã chịu tổn thất nặng nề trong những năm gần đây. Từ năm 2021, giá tôm nhập khẩu giảm mạnh, khiến giá trị toàn ngành mất hơn 1,5 tỷ USD. Thị trường suy thoái khiến ngành tôm Mỹ mất gần 50% giá trị, buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Dù giá bán buôn lao dốc, giá bán lẻ vẫn ở mức cao kỷ lục, cho thấy sự chênh lệch lớn giữa hai thị trường.

Các mức thuế này được áp dụng vào thời điểm quan trọng, khi 94% lượng tôm và toàn bộ thủy sản tiêu thụ tại Mỹ đều đến từ nhập khẩu. Sự phụ thuộc này hoàn toàn trái ngược với tổng thể nhập khẩu thực phẩm của Mỹ, vốn chỉ chiếm 15% tổng lượng tiêu thụ, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Các mức thuế mới được kỳ vọng sẽ hạn chế nhập khẩu, ngăn chặn sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện để chính quyền giải quyết những bất cập trong chính sách thương mại và thực thi pháp luật.

Các tổ chức tài chính quốc tế, được tài trợ từ ngân sách chính phủ Mỹ và tiền thuế của người dân, đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành nuôi tôm ở nước ngoài. Điều này giúp các tập đoàn đa quốc gia mở rộng quy mô, đẩy ngành tôm Mỹ, vốn chịu sự quản lý nghiêm ngặt, vào thế cạnh tranh bất lợi.

Trong thập kỷ qua, số lượng dự án phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm, đã tăng mạnh, chủ yếu tại Ấn Độ và Ecuador – hai quốc gia chiếm gần 70% tổng lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ và là đối thủ lớn nhất của ngành tôm trong nước.

Riêng Ecuador đã nhận hơn 550 triệu USD tài trợ từ năm 2000, trong đó 195 triệu USD chảy trực tiếp vào các doanh nghiệp tư nhân, cạnh tranh trực tiếp với ngư dân Mỹ. Nhờ đó, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ đã tăng 150% chỉ trong vòng bốn năm. Các khoản tài trợ tương tự cũng được rót vào Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, góp phần gây ra tình trạng dư cung tôm trên thị trường toàn cầu.

Hầu hết người tiêu dùng chưa nhận thức được rằng phần lớn tôm nhập khẩu vào Mỹ đến từ các quốc gia liên quan đến lao động cưỡng bức và việc sử dụng kháng sinh cấm, điều này đã được các chính phủ, tổ chức nhân quyền và nhà báo điều tra xác nhận.

Mặc dù có những lo ngại này, nhiều nhà bán lẻ Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu tôm từ các quốc gia có vấn đề nghiêm trọng, thường dựa vào các chương trình chứng nhận ngành công nghiệp không đầy đủ. “Nhu cầu tôm hiện nay được đáp ứng với cái giá lớn về con người, môi trường và sức khỏe cộng đồng,” ông Williams nói. “Khi chúng ta thuê ngoài sản xuất thủy sản từ những ngành công nghiệp dùng lao động cưỡng bức và phương pháp gây hại cho môi trường, chúng ta đang lựa chọn loại thế giới mà mình muốn ủng hộ.”

Dũng Nguyên 

Theo Shrimpinsight

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!