(TSVN) – Theo báo cáo mới nhất từ 210 Analytics, tuy các kênh bán lẻ thủy sản tại Mỹ đã đồng loạt giảm giá bán, nhưng doanh số hầu như không tăng.
Theo 210 Analytics – đơn vị nghiên cứu thị trường tại Florida, trong tháng 6/2024, doanh số hải sản tươi tại Mỹ đạt 666 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh số hải sản đông lạnh mang về 606 triệu USD, giảm 3,8%. Trong khi đó, hải sản bảo quản đạt 275 triệu USD, tăng 3%.
Tiêu dùng hải sản tại Mỹ giảm. Ảnh: Liza Mayer
Theo ghi nhận, 63% hộ gia đình thu nhập thấp đi ăn ở ngoài, trong khi tầng lớp thu nhập cao hơn là 85%. Thực phẩm tiêu dùng tại nhà tăng 1,1% trong tháng 6, trong khi giá hải sản tại các quán ăn/nhà hàng tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trung bình hải sản tươi bán lẻ tại Mỹ đạt 9,57 USD/pound trong tháng 6, cao hơn so với 3 thực phẩm cung cấp protein khác là thịt gà (3,05 USD), thịt heo (3,26 USD) và thịt bò (6,86 USD). Trong đó, khối lượng tiêu thụ cá có vây ghi nhận tăng 1%, doanh thu tăng 0,1% trong tháng 6. Hải sản có vỏ giảm 7,2% về khối lượng và 9,3% về doanh thu, nguyên nhân có thể do nhu cầu giảm hoặc chuỗi cung ứng gặp khó khăn. Các mặt hàng hải sản khác mang về 26 triệu USD, tăng nhẹ 1,9% về doanh thu nhưng giảm 0,4% về khối lượng.
Cá hồi tươi là sản phẩm bán chạy nhất trong tháng 6/2024, với 306 triệu doanh thu, tuy nhiên vẫn giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng tiêu thụ tăng nhẹ 0,5%. Giá trung bình đạt 11,59 USD/pound, giảm 0,7%.
Doanh số cua tươi ghi nhận 85 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước, khối lượng bán ra cũng giảm 11,9%. Giá trung bình đạt 8,4 USD/pound, giảm 4,2%.
Tôm tươi mang về 73 triệu USD trong tháng 6, giảm 2,9% so với năm trước. Tuy nhiên khối lượng tiêu thụ tăng 2,7%. Giá trung bình đạt 8,42 USD/pound, giảm 5,4%.
Doanh số tôm hùm chỉ đạt 32 triệu USD, giảm 9,1%, khối lượng tiêu thụ giảm 17,1%; giá trung bình đạt 9,77 USD/pound, giảm 3,5%.
Cá rô phi tươi đạt 20 triệu USD, giảm 1,8% so với năm trước, khối lượng giảm 2,6%; giá đạt 6,26 USD/pound, tăng 0,8%.
Về hải sản đông lạnh, doanh thu ghi nhận 606 triệu USD, giảm 3,8%; nhưng khối lượng tiêu thụ tăng 0,8%. Các mặt hàng đông lạnh tiêu thụ mạnh nhất trong tháng 6 bao gồm tôm (292 triệu USD, giảm 5,6%), cá hồi (77 triệu USD, giảm 6,9%), cá minh thái (42 triệu USD, tăng 7,7% về doanh thu và 8,2% về khối lượng), rô phi (42 triệu USD, giảm 0,7% về doanh thu và 4% về khối lượng), và cá tuyết (22 triệu USD, giảm 5,6%).
An Vy
(Theo UCN)