Mỹ: Nhập khẩu cua tuyết tăng 24%, cua huỳnh đế Alaska dần bị thay thế

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mỹ nhập khẩu 35.441 tấn cua tuyết giá 459,2 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, cua huỳnh đế Alaska, dự kiến sẽ giảm khoảng 80% so với các năm 2021 và 2022.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu 35.441 tấn cua tuyết, trị giá 459,2 triệu USD, tăng hơn 24% về khối lượng và giảm hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 6/2023, Mỹ nhập khẩu 12.994 tấn cua tuyết trị giá 159,3 triệu USD, tăng 72% về khối lượng nhưng giảm 14% về giá trị so với tháng 6/2022. Đây cũng là khối lượng cua tuyết nhập khẩu cao nhất mà nước này ghi nhận kể từ tháng 6/2020.

Canada là nguồn cung các sản phẩm cua tuyết lớn nhất cho thị trường Mỹ hiện nay. Nước này cung cấp 31.480 tấn cua tuyết, trị giá 404,6 triệu USD, chiếm 89% khối lượng và 61% giá trị của thị trường Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng cua tuyết Canada xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giảm 37% về giá trị. Giá trung bình đạt 12,85 USD, thấp hơn 50% so với sáu tháng đầu năm 2022.

Tháng 10/2022, Cục Thuỷ sản Alaska thông báo tạm dừng khai thác cua huỳnh đế đỏ, cua huỳnh đế xanh, cua tuyết biển Bering, cua huỳnh đế đỏ Vịnh Bristol và Pribilof District… trong nhiều năm. Tuy cua huỳnh đế đỏ Alaska vốn là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong ngành nhập khẩu thủy sản tại Mỹ; tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nga và lệnh cấm đánh bắt cá ở Alaska, lượng cung cua huỳnh đế giảm đi đáng kể. Trong đó, cua huỳnh đế Alaska, dự kiến sẽ giảm khoảng 80%, tương đương khoảng 20 – 25 triệu pound so với các năm 2021 và 2022. Trước tình hình này, các loài cua và hải sản khác như cua tuyết, cua Dungeness và tôm hùm có thể sẽ là sản phẩm thay thế cho cua huỳnh đế. 

Sau những ảnh hưởng của lệnh hạn chế nhập khẩu từ Nga, Na Uy trở thành một trong những nguồn cung cua huỳnh đế chính của Mỹ. Trong tháng 7/2023, Na Uy đã xuất khẩu 247 tấn cua huỳnh đế đỏ, tăng 127% so với năm trước.

Anh Thư

(Theo Undercurrent News) 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!