(TSVN) – Bất chấp những nỗ lực nhằm tăng tiêu thụ cá và động vật có vỏ sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, Mỹ lại đang đi theo hướng khác khi lập kỷ lục mọi thời đại về nhập khẩu thủy sản trong năm 2022 và tiếp tục gia tăng thâm hụt thương mại thủy sản nói chung với các nước khác.
Theo dữ liệu thương mại thủy sản của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Mỹ đã nhập khẩu 3.362.079 tấn thủy sản, trị giá 30,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 2% về khối lượng và 7% về giá trị so với năm 2021. Cả hai con số này đều là mức cao kỷ lục đối với quốc gia là một trong hai nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Theo chiều ngược lại, Mỹ chỉ xuất khẩu 1.195.949 tấn thủy sản, trị giá 5,2 tỷ USD trong năm 2022, giảm 7% về khối lượng và giảm 3% về giá trị so với năm trước. Năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản của Mỹ giảm xuống chỉ còn tương đương 17% giá trị nhập khẩu thủy sản của nước này, tỷ lệ thấp nhất trong khoảng 12 năm qua.
Tuy nhiên, bà Linda Lai Cornish, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dinh dưỡng Hải sản – một nhóm tìm cách thúc đẩy tiêu thụ hải sản ở Mỹ, nhận thấy xu hướng tích cực trong các con số. Bà tin rằng đại dịch đã giúp người Mỹ khơi dậy tình yêu với hải sản khi người dân bắt đầu học cách chế biến hải sản và nhận thức được việc ăn hải sản tốt hơn cho sức khỏe và hành tinh như thế nào.
Cá hồi là sản phẩm thủy sản được nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ. Ảnh: Shutterstock
“Khi người Mỹ coi trọng hải sản của Mỹ hơn, điều đó có nghĩa là Mỹ đang giữ nhiều nguồn cung cấp hải sản trong nước hơn, điều này được phản ánh trong việc xuất khẩu giảm”, bà nói. Ngoài ra, bà cũng thấy một câu chuyện khác trong dữ liệu của NOAA. Dựa trên báo cáo hàng năm “Ngư nghiệp của Mỹ” của NOAA, người Mỹ trung bình tiêu thụ 19 pound hải sản/năm. Để phù hợp với mức tiêu thụ được khuyến nghị bởi bản cập nhật mới nhất của “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ”, con số đó cần tăng lên 26 pound.
Tôm và cá hồi dẫn đầu
Theo dữ liệu của NOAA, tôm tiếp tục là mặt hàng thủy sản nhập khẩu được người tiêu dùng Mỹ thèm muốn nhất, mặc dù lượng hàng nhập khẩu năm 2022 ít hơn một chút so với năm 2021. Theo đó, Mỹ đã mang về 841.634 tấn tôm, trị giá 7,8 tỷ USD trong năm 2022, thấp hơn 6% về khối lượng và 2% về giá trị so với năm trước.
Ngược lại, nhập khẩu cá hồi đang gia tăng ở quốc gia này. Mỹ đã nhập khẩu 499.300 tấn cá hồi, trị giá 6,3 tỷ USD, tăng 3% về khối lượng và tăng 19% về giá trị. Cá hồi, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên, là mặt hàng thủy sản nhập khẩu nhiều thứ hai trong năm 2022.
Cá tra – loài cá nằm trong danh sách các mặt hàng thủy sản nhập khẩu có giá trị nhất của Mỹ – chỉ ở vị trí thứ 11 nhưng lại có một bước nhảy vọt lớn nhất về giá trị trong năm 2022. Theo đó, Mỹ đã nhập khẩu 129.383 tấn cá tra, trị giá 547,6 triệu USD, chủ yếu có nguồn gốc từ Việt Nam, mặc dù NOAA gộp cùng với cá da trơn Trung Quốc. Đây là mức tăng 21% về khối lượng và 74% về giá trị so với năm 2021 do giá cá tra tăng rõ rệt trong năm 2022.
Xuất nhập khẩu của Mỹ giai đoạn 2015 – 2022. Nguồn: NOAA
Canada, Chilê và Ấn Độ giữ top đầu
Có tới 148 quốc gia đã xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong năm 2022, bao gồm cả hải sản tiêu thụ gián tiếp như bột cá, một số loại rong biển, một chất sáp màu trắng từ cá nhà táng được sử dụng trong nến. Theo đó, có khoảng 231.314 tấn thủy sản nhập khẩu của Mỹ trong năm 2022 dùng để tiêu thụ gián tiếp, trị giá 706,3 triệu USD.
Bất chấp sự tiếp diễn của cuộc chiến thương mại do Cựu tổng thống Donald Trump khởi xướng vào giữa năm 2018, Trung Quốc vẫn xuất sang Mỹ khối lượng hải sản lớn trong năm 2022 với 382.840 tấn, trị giá 1,9 tỷ USD, thấp hơn 5% về khối lượng và cao hơn 14% về giá trị so với năm 2021. Hơn 1 tỷ USD tiền thuế đã được áp dụng cho hải sản nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2022, dựa trên dữ liệu do NOAA cung cấp.
Canada, nguồn tôm hùm chính của Bắc Mỹ (Homarus Americanus), vẫn là quốc gia có mối quan hệ thương mại thủy sản có giá trị nhất với Mỹ. Nước này đã xuất khẩu 313.022 tấn thủy sản, trị giá 4,2 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2022, giảm 9% về khối lượng và giảm 15% về giá trị so với năm 2021.
Chilê, nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương lớn nhất của Mỹ, là quốc gia được hưởng lợi nhiều thứ hai, xuất khẩu 306.423 tấn thủy sản, trị giá 3,4 tỷ USD sang xứ cờ hoa trong năm 2022, tăng 8% về khối lượng và 22% về giá trị so với năm 2021.
Ấn Độ, nguồn cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ, đã xuất sang nước này 335.118 tấn thủy sản, trị giá 3,0 tỷ USD trong năm 2022, giảm 8% về khối lượng và giảm 4% về giá trị so với năm trước.
Tất nhiên, quốc gia có sự sụt giảm lớn nhất trong mối quan hệ thương mại với Mỹ là Nga, do lệnh cấm của tổng thống Joe Biden vào hồi tháng 3/2022 và có hiệu lực vào cuối tháng 6/2022. Theo đó, Mỹ đã nhập khẩu 23.730 tấn thủy sản từ Nga, trị giá 922,8 triệu USD, giảm 52% về khối lượng và giảm 23% về giá trị so với năm 2021.
Tính theo châu lục, châu Á cho đến nay vẫn là khu vực xuất khẩu nhiều thủy sản nhất đến Mỹ, xuất khẩu 1.675.204 tấn, trị giá 12,8 tỷ USD sang quốc gia này vào năm 2022. Châu Phi không phải là nguồn cung cấp thủy sản lớn nhất cho Mỹ nhưng đã tăng trưởng đáng kể trong năm này. Khu vực này đã xuất sang Mỹ 60.073 tấn thủy sản, trị giá 448,9 triệu USD, tăng 21% về lượng và 29% về giá trị.
Top 20 quốc gia hàng đầu xuất khẩu thủy sản vào Mỹ giai đoạn 2021 – 2022. Nguồn: NOAA
Khi nói đến xuất khẩu thủy sản của Mỹ, cá hồi, cá minh thái Alaska và tôm hùm sẽ dẫn đầu. Cụ thể, Mỹ đã xuất khẩu 200.649 tấn cá hồi, trị giá 1,3 tỷ USD trong năm 2022, gần bằng khối lượng của năm 2021 nhưng trị giá cao hơn 11%. Một phần lớn cá hồi (khoảng 95%) được xuất khẩu là cá hồi đánh bắt tự nhiên từ Alaska, trái ngược với cá hồi nhập khẩu được nuôi nhiều.
Có tới 90 quốc gia nhập khẩu cá hồi của Mỹ trong năm ngoái. Trong đó, 4 nhà nhập khẩu hàng đầu là: Canada (52.232 tấn, trị giá 395,3 triệu USD); Trung Quốc (41.201 tấn, trị giá 173,5 triệu USD); Nhật Bản (18.306 tấn, trị giá 236,1 triệu USD); và Thái Lan (17.097 tấn, trị giá 65,2 triệu USD). Trung Quốc là nhà tái chế biến cá hồi lớn của Mỹ.
Cá minh thái Alaska là mặt hàng thủy sản được Mỹ xuất khẩu với số lượng lớn nhất. Mỹ đã xuất khẩu tới 268.642 tấn, trị giá 871,1 triệu USD vào năm 2022, thấp hơn 14% về khối lượng và 3% về giá trị so với năm 2021 (không bao gồm cá minh thái Đại Tây Dương).
Hơn một nửa lượng cá minh thái xuất khẩu của Mỹ trong năm 2022 là ở dạng surimi. Nước này đã xuất khẩu 140.867 tấn, trị giá 427,1 triệu USD dạng sản phẩm này trong năm 2022, đồng thời xuất khẩu 13.989 tấn trứng cá, trị giá 74,4 triệu USD. Mỹ cũng đã xuất khẩu 78.439 tấn fillet đông lạnh, trị giá 294,3 triệu USD.
Hàn Quốc là nhà nhập khẩu surimi lớn nhất của Mỹ, đạt 55.852 tấn, trị giá 189,1 triệu USD. Nhật Bản theo sát phía sau với 47.487 tấn, trị giá 128,9 triệu USD. Trung Quốc cũng chiếm lượng xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Mỹ vào năm 2022 với 293.707 tấn, trị giá 948,0 triệu USD, giảm 3% về khối lượng và tăng 8% về giá trị so với năm 2021.
Và Canada là thị trường xuất khẩu có giá trị nhất, đạt 173.767 tấn, trị giá 1,0 tỷ USD trong năm 2022, tuy nhiên giảm hơn 14% về khối lượng và 23% giá trị so với năm trước.
Tính theo châu lục, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản tốt nhất của Mỹ, chiếm 654.760 tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, châu Âu đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 276.981 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, giảm 5% về khối lượng và tăng 5% về giá trị.
Hải Phong
Theo Undercurrent News