Mỹ: Nuôi TTCT với hàu và rong biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghiên cứu cho thấy mô hình nuôi tôm kết hợp hàu và trồng rong biển làm giảm nồng độ nitơ, giúp nuôi tôm bền vững và lợi nhuận cao hơn.

Giảm phụ thuộc nhập khẩu

Một nghiên cứu mới của Đại học New Hamsphire đã phát hiện nuôi ghép tôm với hàu kết hợp trồng rong biển trong hệ thống nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tổng hợp (IMTA) làm giảm đáng kể nồng độ chất thải nitơ. Điều này có thể thúc đẩy nghề nuôi tôm có trách nhiệm hơn và mở ra nhiều động lực phát triển cho ngành tôm nuôi còn khá non trẻ của Mỹ.

Nghề nuôi tôm hiện đang trong giai đoạn bùng nổ ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Á và châu Mỹ nhằm tạo nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu đang tăng chóng mặt ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ngành tôm nuôi trên toàn cầu đang tác động tiêu cực lên môi trường, bao gồm nồng độ amonia tăng cao gây hiện tượng tảo độc nở hoa hoặc các vùng đất chết do thiếu ôxy.

Theo Elizabeth Martin, Khoa Khoa học đời sống và Nông nghiệp, thuộc Đại học New Hamsphire, phần lớn tôm trên thị trường Mỹ đều là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, số tôm nuôi này được sản xuất theo phương thức không cần phải đáp ứng các quy định về môi trường tương tự như ở Mỹ. Tôm hiện là một trong những mặt hàng thủy sản nhập khẩu có giá trị cao nhất đối với Mỹ; do đó, phát triển một ngành công nghiệp nuôi tôm nội địa sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, Elizabeth Martin nhận định.

Bền vững, lợi nhuận cao

Hiện, Khoa Khoa học đời sống và Nông nghiệp đang nghiên cứu các hệ thống IMTA kết hợp nuôi tôm với các loài lọc nước như hàu để xác định xem đối tượng nuôi này có giúp cắt giảm lượng amonia – một dạng nitơ và phốt pho còn sót lại trong nước hay không. Trong môi trường tự nhiên, động vật có vỏ làm sạch nước bằng cách lọc bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa. Các loài rong biển đặc biệt hữu ích trong việc cung cấp ôxy và hấp thu dưỡng chất, đặc biệt là nitơ hòa tan, phốt pho và carbon. Từ thực tế này, Martin và cộng sự đã thử nghiệm phương pháp nuôi TTCT khép kín kết hợp với “máy lọc nước tự nhiên” gồm hàu bản địa và rong đỏ. Mô hình IMTA không chỉ làm sạch nước, mà còn tăng thêm thu nhập cho người nuôi tôm. Mô hình IMTA đã được triển khai tại một trại nuôi cá hồi thương phẩm ngoài khơi bờ biển Tây Scotland để trồng rong biển cung cấp cho công ty KelpCrofting LLC.

Martin cho biết, chúng tôi đã thử nghiệm cả 3 phương pháp: Nuôi ghép tôm với rong biển; tôm với rong biển kết hợp máy tạo ôxy; tôm với rong biển và hàu. Kết quả cho thấy, mô hình cuối cùng giúp giảm đáng kể nitơ (gồm amoniac, nitrit và nitrate) theo thời gian. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra hàu giúp kiểm soát sản xuất nitơ, từ đó làm giảm đáng kể lượng nitơ trong 30 ngày so với các phương pháp nuôi ghép khác. Do đó, mô hình này giúp nuôi tôm bền vững hơn, đồng thời tạo thêm nguồn cung rong biển và hàu cho thị trường. Đây là giải pháp đa dạng hóa đối tượng nuôi, gia tăng doanh thu cho trang trại và có lợi cho môi trường.

Mặc dù còn tồn tại một số thách thức pháp lý và lo ngại môi trường ở Mỹ, nhưng nghiên cứu này đã đưa ra lộ trình cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững và khả thi cho những khu vực như New England. Theo Phó giáo sư Michael Chambers, Khoa Hàng hải và Kỹ thuật đại dương, Đại học New Hamsphire, mô hình IMTA nuôi TTCT kết hợp hàu và rong biển khép kín có thể áp dụng trong trang trại, nhà kính, thậm chí tầng hầm để cung cấp thủy sản tươi sống cao cấp cho nhà hàng địa phương.

Dũng Nguyên
(Theo Thefishsite)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!