Sản lượng cá da trơn Mỹ tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ vẫn duy trì ở mức cao. Dự báo, Mỹ sẽ nhập khẩu nhiều cá da trơn hơn nhưng giá mặt hàng này sẽ không tăng.
Tín hiệu tích cực
Do nhu cầu tiêu thụ cá da trơn vẫn duy trì ở mức cao, chỉ có tình hình sản xuất ở Mississippi có xu hướng sụt giảm trong năm nay bởi diện tích ao nuôi bị thu hẹp và tác động giá thức ăn chăn nuôi. Hiện, các hộ nuôi cá da trơn tại Mỹ đang lãi do chỉ phải chi trả dưới 380 USD/tấn thức ăn. Jimmy Avery, chuyên gia nuôi trồng thủy sản tại Đại học bang Mississippi cho biết, đây là một tín hiệu rất tích cực cho ngành công nghiệp cá da trơn tại Mỹ. Dựa trên lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi và dữ liệu từ thực tế, Avery cho rằng, sản lượng cá da trơn năm nay sẽ tương đương năm ngoái… Ngoài ra, vụ cá tra giống năm nay đạt kết quả tốt hơn mong đợi, hầu hết trại giống đều đạt mục tiêu đề ra.
Nguồn: NMFS
Người nuôi cá tại Mỹ từng phải chi trả gần 500 USD/tấn thức ăn vào năm 2013 và 2014, nhưng giá thức ăn đã giảm dần từ năm ngoái xuống 380 USD/tấn và 350 USD/tấn. Diện tích ao nuôi trong năm nay dự tính khoảng 36.000 acre, tiếp tục xu hướng giảm. Năm 2015, diện tích nuôi cá da trơn là 41.000 acre. Người nuôi cũng tận dụng được lợi thế từ giá cá và kỳ vọng hệ thống sản xuất mới như chia nhỏ ao nuôi, ao nhỏ thông khí hoặc chuyển sang các giống cá da trơn lai sẽ đem lại năng suất cao hơn mà vẫn đảm bảo tiết kiệm không gian nuôi cá. Có một số ao nuôi được thu lại để làm đất trồng trọt các loại ngũ cốc có giá cao hơn. Nhu cầu tiêu thụ cá tra giống tăng cao, và nguồn cung cũng trở nên hạn hẹp hơn.
Cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu
Tuy nhiên, những chuyên gia như Avery vẫn cho rằng, cá nhập khẩu có thể đe dọa nhà sản xuất nội địa ở các bang sản xuất cá da trơn hàng đầu nước Mỹ. Cá da trơn nội địa, ngoài vấn đề dịch bệnh đang gia tăng tại Mississippi thì không ẩn chứa bất cứ mối nguy hại nào với người tiêu dùng. Trong khi, tỷ lệ các lô hàng cá da trơn nhập khẩu bị trả về khoảng 15 – 18%/năm do các vấn đề liên quan đến tồn dư kháng sinh. Dù vậy, những sản phẩm giá rẻ hơn vẫn có lợi thế tại thị trường Mỹ. Do đó, cá da trơn, cả nội địa và nhập khẩu cũng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá tuyết cod, pollack hay haddock.
Đầu năm 2016, lo ngại ảnh hưởng Chương trình giám sát cá da trơn, các hãng nhập khẩu tại Mỹ cho biết giá chào bán cá tra tại thị trường này đã tăng 0,1 – 0,15 USD/kg. Ngày 25/5/2016, tại kỳ họp của Thượng viện Mỹ, các Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Thượng nghị sỹ John McCain, đại diện phe ủng hộ dự luật đã dành được 57 phiếu ủng hộ, bất chấp sự cản phá quyết liệt của Thượng nghị sỹ Thad Cochran đại diện cho bang Mississippi và một số bang sản xuất cá da trơn miền Nam nước Mỹ. Dù nghị quyết này sẽ phải chuyển qua Hạ viện Mỹ để bỏ phiếu thông qua rồi mới trình Tổng thống để ký Sắc lệnh ban hành, nhưng đây là thành công ban đầu, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện. Trước đó, nhiều chuyên gia lo ngại, Chương trình giám sát cá da trơn mới, nếu có hiệu lực sẽ gây lãng phí và mọi áp lực sẽ dồn lên người tiêu dùng. Do đó, sự việc trên là bước khơi thông và đưa thị trường cá da trơn của Mỹ về vị thế ổn định hơn.
Người tiêu dùng Mỹ có xu hướng mua cá tra nhiều hơn trong năm 2016, tuy nhiên giá mặt hàng này không tăng. Theo ITC, Mỹ nhập khẩu 34.677 tấn cá tra của Việt Nam trong quý I, tăng 16% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng nhập khẩu cá tra đông lạnh là 103,369 tấn. Cá tra đông lạnh của Việt Nam hiện vẫn đang đứng đầu thị trường Mỹ, sau đó là Myanmar, Guyana, Thái Lan, Brazil, Venezuela, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.
>> Brian Mark, Phó Giáo sư địa lý học, Trường Đại học bang Louisiana cho biết, qua các khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Mỹ cũng như nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới vẫn thích mua hàng giá rẻ hơn như tôm hay cá tra, basa nhập khẩu từ châu Á. Như vậy thị phần cho cá da trơn nhập khẩu, trong đó có Việt Nam, tại Mỹ vẫn còn rộng lớn. |