(TSVN) – Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trường toàn cầu đang dần đẩy ngành khai thác tôm tự nhiên tại Mỹ vào ngõ cụt. Một ngành công nghiệp nữa của Mỹ lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Sự đổ bộ của tôm nuôi nhập khẩu từ châu Á và Nam Mỹ vào thị trường Mỹ đã gây bão hòa thị trường và trực tiếp đẩy tôm tự nhiên vào cảnh ế ẩm. Trong khi đó, chính quyền bang Louisiana đang chậm trễ trong công tác hỗ trợ ngành khai thác tôm tại địa phương. Nhiều ngư dân có thể bị phá sản và buộc phải từ bỏ nghề “cha truyền con nối” từng là nguồn thu chính của nhiều thế hệ. Nguồn lợi tôm tự nhiên tại vịnh Mexico vẫn còn dồi dào, nhưng tôm tự nhiên gần như không còn chỗ đứng trên thị trường Mỹ đang tràn ngập tôm nhập khẩu giá rẻ.
Theo Peyton Cagle, Giám đốc Chương trình khai thác giáp xác tự nhiên Louisiana, tôm tự nhiên vẫn “đầy ắp” trong vịnh nhưng chẳng ngư dân nào phấn khởi. Thị phần tôm tự nhiên, một sản phẩm từng được người tiêu dùng Mỹ rất ưa chuộng, đang bị thu hẹp dần trước tôm nhập khẩu giá rẻ hơn. Số lượng ngư dân khai thác tôm đang tiếp tục giảm mạnh.
Lạm phát đang khiến người tiêu dùng Mỹ chuyển sang thực phẩm giá rẻ, do đó, lượng tôm tự nhiên phải đóng băng trong kho của nhiều nhà máy chế biến. Cùng đó, chi phí nhiên liệu không ngừng tăng cao càng đẩy nhà máy này cùng ngư dân vào cảnh khó khăn.
Ronnie Anderson, Phó Chủ tịch Hiệp hội khai thác tôm Louisiana, cũng là ngư dân khai thác tôm tại bang cho biết, chẳng ai còn hứng thú ra khơi vụ tới nữa. Dù đã gắn bó với nghề này 40 năm, nhưng ông cũng buộc phải nghỉ việc bởi thị trường quá ảm đạm. Anderson chia sẻ, thị trường tôm tự nhiên tại Mỹ đã đi xuống kể từ năm 2002 khi châu Âu dừng nhập khẩu tôm chứa kháng sinh và các lô hàng đó bắt đầu chuyển hướng sang Mỹ.
Anderson kể lại rằng, khoảng 20 năm trước, Chính phủ Mỹ hỗ trợ ngành khai thác tôm tự nhiên 30.000 đến 50.000 tàu, thuyền đánh bắt tôm trong vùng biển liên bang từ Florida đến Texas. Nhưng giờ đây chỉ còn lại 1.000 tàu, thuyền và con số này vẫn đang giảm. Nguồn tôm tự nhiên vẫn dồi dào nhưng không có nhà máy chế biến nào hỏi mua. Ông Anderson may mắn hơn khi có thiết bị cấp đông tại tàu để bán tôm trực tiếp cho người dân địa phương nhưng ông không thể vừa khai thác vừa bán cùng một lúc.
Tàu cá của Anderson dài 22 m và rộng gần 8 m, trị giá 15.000 USD. Mỗi chuyến đi biển 12 ngày gần đây tàu của Anderson đã đánh bắt được 17,1 tấn tôm nhưng với giá 1 USD/0,45 kg thì không đủ lời lãi để duy trì hoạt động. Con tàu mang tên “Người Mohican cuối cùng” của ông Anderson trở thành điềm báo trước một ngành công nghiệp lừng lẫy một thời sắp biến mất trước cạnh tranh khốc liệt với tôm nuôi giá rẻ. Ông Anderson nói rằng, nhiều ngư dân lớn tuổi đang cố bám trụ với nghề, nhưng thế hệ con cháu đã bỏ cuộc. Theo Liên minh Tôm miền Nam (SSA), từ năm 2000 đến năm 2020, số giấy phép khai thác tôm của bang Louisiana giảm từ 10.000 xuống 4.000. Trên toàn quốc, số giấy phép giảm từ 15.000 xuống 6.000.
Trước sức ép thị trường, tương lai của người khai thác tôm và nhà chế biến đều bị đe dọa. Mối quan hệ giữa hai bên vừa đối dịch vừa cộng sinh. Nếu nhà máy chế biến hoạt động kém, người khai thác tôm có thể tiếp tục bán tôm tại tàu, nhưng không đủ sức cạnh tranh với tôm giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu ngư dân dừng khai thác, các nhà chế biến khó chuyển sang tôm nguyên liệu từ nhà nhập khẩu, bởi phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu đều có nhà máy chế biến riêng trong chuỗi hoạt động khép kín của công ty. Do đó, ngư dân và nhà chế biến nhỏ lẻ đều có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có sự trợ giúp từ chính quyền.
Andy Gibson, một người chế biến tôm tự nhiên trong vùng cho biết, tôm ế ẩm không người mua trong khi hàng tồn chất đầy kho còn chi phí cứ đội lên cao mỗi ngày. Gibson cho biết, tôm nhập khẩu đã càn quét thị trường Mỹ và chiếm lĩnh các kênh bán lẻ và nhà hàng. Giá bán tôm nội địa gồm chi phí khai thác, bảo quản, chế biến, đóng gói và vận chuyển cộng lại đã làm cho mặt hàng này gần như không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài có nguồn lao động giá rẻ và quy định sản xuất ít khắt khe hơn.
Các nhà lãnh đạo đã có mặt tại Washington D.C. trong tuần này để họp với Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) về vấn đề tăng thuế đối với tôm nhập khẩu. ITC cũng họp thường niên để đánh giá những thiệt hại do hàng hóa nhập khẩu gây ra, đồng thời quyết định đánh thuế nếu cần thiết. Theo thống kê của SSA, ba nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ là Ấn Độ, Ecuador và Indonesia với thị phần lần lượt 40%, 25% và 18%.
Deborah Long, đại diện SSA, lãnh đạo ngành tôm đang huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ tôm nội địa chống lại sức ép thị trường toàn cầu. Người khai thác tôm tại các bang miền Nam gồm Texas, Louisiana cũng tích cực gửi đề xuất tới ITC để chứng minh thiệt hại nặng nề do tôm nhập khẩu gây ra. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 307 phản hồi từ ngành tôm tự nhiên được gửi đến ITC, chiếm tỷ lệ 20% toàn ngành thủy sản. Trong khi con số này vào năm 2015 là 182 và 12%.
Tuy nhiên, ngay cả khi sự phản đối kịch liệt gia tăng, ITC phải mất vài tháng mới đưa ra quyết định chính thức. Các khoản tiền huy động được từ thuế quan sẽ chuyển cho Chính phủ Liên bang, chứ không phải cho những người trong ngành bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu. Cuộc chiến giữa hai bên vẫn chưa đến hồi kết, nhưng dường như may mắn vẫn chưa mỉm cười với ngành tôm nội địa.
Đan Linh
Theo Seafoodbusiness