(TSVN) – Sang tháng 3, thị trường thủy sản Mỹ được kỳ vọng bình thường trở lại bởi đại dịch đang dần được đẩy lùi, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao và giá cua, tôm hùm chạm kỷ lục trong khi giá cá đáy duy trì tốt. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh tại Ukraine có nguy cơ đảo lộn tất cả.
Cuối tháng 2, vấn đề gây áp lực lớn nhất đối với ngành hàng cua tại thị trường Mỹ đó làm cách nào để có thể dần hạ nhiệt mức giá bán đang ở ngưỡng cao kỷ lục, kiềm chế “cơn khát” của người tiêu dùng và tăng lượng hàng dự trữ.
Giá cua nhập khẩu từ Nga bắt đầu dễ chịu hơn và sự chênh lệch giá bán giữa hai mặt hàng cua tuyết Nga và Canada tại thị trường Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện trở lại. Thông thường, việc Canada mở cửa vụ khai thác là cơ hội tốt để các hãng sản xuất lập ra một mức giá mới mà thị trường sẽ chấp nhận.
Giá bán sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt cua tuyết Alaska trong năm nay và nâng cao vai trò quan trọng của các nhà cung cấp cua tuyết Nga. Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 41 triệu pound cua tuyết từ Nga, chiếm tỷ trọng 30% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này.
Chế biến cua tuyết tại Nga. Ảnh: TT
Hiện, thị trường Mỹ vẫn còn khá nhiều cua tuyết dự trữ và nhu cầu tiêu thụ của người dân đã tạm lắng xuống. Do đó, nếu nguồn cung mặt hàng này có bị cắt đứt đột ngột bởi chiến sự Ukraine thì cũng sẽ không gây ra cuộc khủng hoảng trước mắt. Thêm nữa, nguồn cung cua tuyết Nga hàng tháng dường như trái ngược với nguồn cung của Canada nên khi sản xuất của Canada tăng lên, thì Mỹ sẽ nhập khẩu rất ít cua tuyết của Nga.
Theo số liệu thống kê thương mại, từ năm 2019 khối lượng cua tuyết Nga xuất khẩu vào Mỹ đã tăng trưởng đáng kể. Xuất khẩu cua Nga sang Mỹ trong thời gian này cũng đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đã không chuyển động theo một kịch bản thuận lợi như trước đây khi Nga quyết định tấn công Ukraine và ngay sau đó cắt đứt các mối liên kết giữa Nga với nền kinh tế Mỹ.
Diễn biến này không giống với năm 2014. Thời điểm đó, Nga đã áp đặt một lệnh cấm vận nhập khẩu lên thực phẩm từ các nước phương Tây và một số hoạt động xuất khẩu đã bị giáng một đòn nặng nề. Nhưng Mỹ không trả đũa mà vẫn tiếp tục nhập khẩu rất nhiều hàng hóa, trong đó có hải sản từ Nga gồm cá pollock, cá tuyết cod, cua và cá hồi. Mỹ cũng không cắt đứt đường nối từ Nga đến các hệ thống ngân hàng.
Nhưng lần này, hệ thống ngân hàng phải gánh chịu rủi ro, chứ không phải một sản phẩm cụ thể. Mỹ đang trừng phạt Nga tương tự như cách mà quốc gia này thực hiện với Iran. Bộ Tài chính Mỹ cũng yêu cầu các ngân hàng nước này cắt đứt kết nối với Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga cùng 25 công ty con và không cho phép ngân hàng này thực hiện các giao dịch bằng đồng USD trừ dầu mỏ và khí đốt. Mỹ cũng đóng băng tài sản 4 ngân hàng khác của Nga gồm ngân hàng lớn thứ 2 là VTB, và 3 ngân hàng hạng trung gồm Otkritie, Sovcombank và Novikdom. Ngoài ra, Mỹ và các quốc gia khác cũng loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.
Khi một công ty tại Mỹ nhập khẩu một lô hàng cua, bất kể là công ty của người Mỹ hay công ty nước ngoài tại Mỹ, họ đều nhận một thư tín dụng bằng đồng USD, giả sử từ ngân hàng Seattle. Khi nhận được lô hàng đó, ngân hàng Seattle sẽ chuyển USD vào tài khoản của người bán tại ngân hàng Nga, ví dụ ngân hàng Sberbank. Sau đó, người bán có thể chuyển sang đồng RUB để thanh toán chi phí xuất khẩu lô hàng. Nếu người nhập khẩu có tài khoản tại ngân hàng Mỹ, thì việc thanh toán cuối cùng phải chuyển đến Nga trước khi công ty có thể sử dụng tiền. Nếu không có SWIFT, số tiền này không được bảo lãnh điện tử.
Cuối cùng, bằng cách đóng băng các tài khoản đô la của ngân hàng trung ương Nga và các tài khoản đồng đô la nước ngoài khác, người Nga sẽ không còn khả năng chuyển đổi đồng USD sang các ngoại tệ khác. Do đó, mọi hoạt động giao dịch của họ cũng bị chặn đứng hoàn toàn. Các nhà sản xuất thủy sản tại Nga sẽ gặp gặp những khó khăn tương tự với khách hàng tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc và chỉ có khả năng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các hãng sản xuất cua và cá đáy của Nga cũng đối mặt tình trạng không bán được hàng, trừ khi hàng hóa tiêu thụ trên thị trường chợ đen. Hoạt động mua bán thủy hải sản Nga trên chợ đen được dự báo sẽ bùng nổ. Nhưng không giống năm 2005 và 2006 khi cua tuyết nhập khẩu trái phép vẫn tuồn vào thị trường Mỹ, đến nay các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đã siết chặt hơn và yêu cầu phải truy xuất được nguồn gốc qua các chứng nhận MSC hoặc chứng nhận khác. Do đó, kênh chợ đen sẽ khó có cơ hội len lỏi vào thị trường Mỹ.
Canada vẫn chưa quyết định hạn ngạch khai thác cua tuyết trong năm 2022. Tuy nhiên, theo nhiều dự đoán thì hạn ngạch năm nay có khả năng tăng cao hơn năm ngoái. Dù vậy, vẫn không thể bù lại sự thiếu hụt nguồn cung cua tuyết từ thị trường Nga.
Tương tự như mặt hàng cua, một lượng lớn cá đáy của Nga sẽ khó tìm được đường xuất ngoại và chỉ còn cách tiêu thụ nội địa. Nhưng điều này sẽ khiến giá nhiều loại cá đáy từ các nước khác tăng vọt, đồng thời tạo ra một lượng lớn cá đáy không rõ xuất xứ trên thị trường chợ đen.
Những thị trường thường xuyên nhập khẩu nhiều cá thịt trắng không có tư cách coi thường lệnh cấm vận cũng như tìm kiếm các nguồn cá bất hợp pháp. Trong ngắn hạn, giá cả hai mặt hàng cua tuyết và cá đáy chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Nhưng về lâu dài, thịt trường của hai sản phẩm này sẽ bị thu hẹp do nguồn cung đáng kể bị bốc hơi. Tuy nhiên, với nhiều quốc gia xuất khẩu thủy sản khác, thì đây có thể là cơ hội lớn để đẩy mạnh doanh số bán hàng.
Vũ Đức
Tổng hợp