Mỹ: Thị trường cua tuyết và huỳnh đế thay đổi mạnh mẽ sau lệnh cấm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Khi công ty Mỹ bán hết cua dự trữ nhập khẩu từ Nga, thị trường cua Mỹ sẽ thay đổi trật tự hoàn toàn. Nguồn cung cua tuyết trong thời gian tới sẽ là Canada và Na Uy. Về cua huỳnh đế, Mỹ sẽ tự chủ một phần, còn lại nhập khẩu từ Na Uy.

Cuộc chiến tại Ukraine đã làm thay đổi “số phận” các sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Nga là đối tác thương mại lớn thứ 24 của Mỹ vào năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lên đến 29,7 tỷ USD. Các mặt hàng chính gồm năng lượng và các sản phẩm dầu cũng như phân bón, niken, thép và các mặt hàng công nghiệp khác. Toàn bộ thủy sản, gồm cua chỉ chiếm 2% tổng khối lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Nga. Cua huỳnh đế và cua tuyết chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm hàng hóa thủy hải sản nhập khẩu từ Nga với trị giá 929,9 triệu USD, trong đó có 28,3 triệu USD cua huỳnh đế và 41 triệu USD cua tuyết. 

Mỹ cũng vừa gia hạn lệnh cấm nhập khẩu cua và hải sản từ Nga đến ngày 23/6/2022 để cho phép các nhà nhập khẩu có thể thuận lợi nhận được những lô hàng họ đã ký hợp đồng trước ngày 11/3 – thời điểm Mỹ ban hành lệnh cấm.  Theo dữ liệu thống kê, lượng cua mà Mỹ nhập khẩu từ Nga trong năm 2022 ước tính giảm 15 triệu pound cua huỳnh đế và 27 triệu pound cua tuyết. 

Lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản của Mỹ đối với Nga sẽ tạo ra một “trật tự mới” trên thị trường cua tuyết và cua huỳnh đế toàn cầu. Ảnh:WWF 

Đến cuối năm 2021, khối lượng nhập khẩu cua huỳnh đế và cua tuyết đều tăng 10% và giá cua nếu so với thời điểm đầu năm 2021 đã tăng 90% với cua huỳnh đế và tăng 70% với cua tuyết tùy kích cỡ. Giá cả hai mặt hàng này nhìn chung tương đối ổn định ở mức cao suốt đại dịch COVID-19 cho đến khi sang đầu năm 2022, giá cua huỳnh đế đỏ của Nga mới bắt đầu giảm 16% và cua tuyết giảm 28%. 

Ngành thủy hải sản Nga tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 với tổng trị giá xuất khẩu 5,6 tỷ USD. Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất với trị giá nhập khẩu lên đên 1,24 tỷ USD từ Nga, tương đương tỷ trọng 9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước Nhật. Mỹ cũng nhập khẩu một khối lượng tương tự với trị giá 1,2 tỷ USD, trong đó Mỹ đã nhập khẩu 37% khối lượng cua biển của Nga, trị giá 928,9 triệu USD. Nhật Bản và Mỹ là 2 thị trường chủ yếu tiêu thụ cua đã chế biến, trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc lại dẫn đầu về nhập khẩu cua tươi sống từ Nga. 

Hầu hết các nhà sản xuất tại vùng Viễn Đông chú trọng thị trường cua sống châu Á. Từ 27/3/2022, Nga triển khai 10 tàu khai thác cua huỳnh đế xanh phục vụ thị trưởng cua tươi sống châu Á, 10 tàu khai thác cua tuyết Opilio cho thị trường cua tươi sống. Các hãng khai thác cua Tanner gồm có 4 đơn vị khai thác và cung cấp cua sống và 1 hãng bán cua chế biến. Ngoài ra, Nga đang triển khai hoạt động của 3 tàu khai thác cua Hair và chỉ bán hàng tươi sống sang châu Á. Khai thác cua tuyết nước sâu hiện có khoảng 13 tàu bán cua chế biến và 2 tàu bán cua nguyên liệu sang châu Á. 

Các lô hàng cua tươi sống tuần trước đã được vận chuyển đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Mặt hàng có khối lượng nhập khẩu lớn nhất là cua huỳnh đế xanh với 205 tấn. Cua Bairdi đứng thứ 2 với 72,8 tấn, tiếp đến là cua Opilio với 57,1 tấn, cua huỳnh đế vàng tươi sống 26,5 tấn và sau cùng là cua Hair với 12,1 tấn. 

Ngoài Nga, Na Uy cũng là nguồn cung cua tuyết và cua huỳnh đế lớn trên thế giới. Hạn ngạch khai thác cua huỳnh đế đỏ của Na Uy trong năm 2022 là 1.845 tấn còn cua tuyết là 6.725 tấn. Trong tháng 2/2022, Mỹ chỉ nhập khẩu 17 tấn cua tuyết từ Na Uy, giảm 94% so cùng kỳ năm 2021 (284 tấn). Vụ khai thác cua Tanner Alaska đã mở cửa vào ngày 15/1 tại Kodiak, Chignik và miền Nam Peninsula với hạn ngạch 1,8 triệu pound. Hạn ngạch khai thác cua tuyết Opilio năm 2022 chỉ 5,6 triệu pound, giảm mạnh so với mức 45 triệu pound của năm ngoái. 

Tiến độ khai thác cua tuyết của Canada đã được 33% hạn ngạch. Canada tăng cường độ khai thác cua tuyết, trong khi hạn ngạch khai thác của Alaska thấp hơn mọi năm, cùng với lệnh cấm nhập khẩu cua từ Nga sau ngày 23/6/2022 được cho là những yếu tố tạo ra một “trật tự thế giới mới” trên thị trường cua trong năm nay. Dữ liệu nhập khẩu trong 5 năm qua cho thấy xuất khẩu cua tuyết của Canada thường chiếm ưu thế trong nửa đầu năm. Khoảng 75 – 80% cua tuyết có mặt trên thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu mùa đều là hàng nhập khẩu từ Canada. Cua tuyết Nga thường chiếm ưu thế trong nửa cuối năm với thị phần 60 – 65% tại Mỹ. Tuy nhiên, trật tự này sẽ không còn diễn ra trong năm nay bởi các hãng kinh doanh đang bán cua dự trữ ra thị trường với giá cao ngất ngưởng. Thị trường cua được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại khi Canada và Na Uy cũng bước vào mùa khai thác và cân bằng lại nguồn cung. 

Tuấn Minh

Theo Seafoodnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!