Mỹ: Tôm vùng Vịnh tự tin cạnh tranh với hàng ngoại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cơ quan nghề cá quốc gia Mỹ khẳng định tôm tự nhiên không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng mà còn bền vững. Đây chính là điểm cộng để sản phẩm chắc chân trên thị trường trước sự tấn công ồ ạt của tôm nhập khẩu giá rẻ từ châu Á và Mỹ Latinh.

Xây dựng hình ảnh bền vững

Nghề đánh bắt tôm cũng được ghi nhận như một nét văn hóa Mỹ, đồng thời tạo sinh kế cho hàng nghìn ngư dân khai thác thương mại. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất đặt ra tiền lệ toàn cầu về giảm đánh bắt không chủ ý bằng lưới kéo tôm. Do đó, tôm tự nhiên vùng vịnh của Mỹ trở thành lựa chọn hải sản bền vững của FishWatch nhiều năm qua.

Mỹ là một trong số những quốc gia sở hữu nghề cá quy mô lớn và bền vững nhất thế giới nhờ thế mạnh về khoa học công nghệ và quy trình quản lý hiệu quả. Các loại hải sản Mỹ được đánh giá bền vững gồm cá, nhuyễn thể có vỏ và rong biển được thu hoạch hoặc nuôi theo cách thức bảo vệ sức khỏe lâu dài của quần thể và hệ sinh thái. Tôm đánh bắt tự nhiên của Mỹ cũng không ngoại lệ và cũng lọt vào Danh sách lựa chọn hải sản thông minh nhờ quản lý nguồn lợi bền vững và sử dụng phương pháp khai thác có trách nhiệm theo quy định của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Hầu hết hoạt động đánh bắt tôm Mỹ tập trung ở vùng biển Đông Nam trải dài từ bang Texas đến Bắc Carolina. 3 loài tôm tự nhiên, gồm TTCT, tôm chì Alaska và tôm he, chiếm phần lớn sản lượng khai thác tôm tự nhiên. Đây cũng là 3 loài tôm cho giá trị kinh tế cao nhất. Theo NOAA, tôm tự nhiên vùng vịnh là loại giáp xác có tuổi thọ ngắn, phát triển nhanh, thường đạt chiều dài 12 – 16 cm trong vòng 2 năm. Nhờ đó, chúng có khả năng phục hồi nhanh trước hoạt động đánh bắt quá mức và cho khai thác quanh năm.

Để duy trì ngành tôm tự nhiên bền vững, NOAA theo dõi chặt chẽ các xu hướng trong quần thể tôm và tiến hành đánh giá trữ lượng. Các chuyên gia NOAA sử dụng dữ liệu từ các cuộc khảo sát nghề cá độc lập, và dữ liệu sản lượng cập cảng thực tế để ước tính sản lượng bền vững tối đa – một thước đo đảm bảo trữ lượng bền vững trong khi vẫn tối đa lượng tôm cập bến.

NOAA cũng đánh giá các phương án quản lý để tăng lợi ích kinh tế cho ngành khai thác tôm tự nhiên. Trong một số trường hợp, chính quyền sẽ đóng cửa vụ khai thác tạm thời để bảo vệ nguồn lợi trong quá trình di cư hàng năm, giúp tôm tăng kích thước với giá trị cao hơn. Các nhà khoa học Mỹ đang xây dựng một thước đo tiêu chuẩn về dữ liệu, đánh giá và rà soát hoạt động đánh bắt 3 loài tôm chủ lực của vùng vịnh Mexico gồm tôm chì Alaska, TTCT và tôm he.

Khắc phục khó khăn

Nhu cầu tôm tại thị trường Mỹ tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây và hiện khoảng ¼ hải sản mà người Mỹ đang tiêu thụ là sản phẩm tôm. Tuy nhiên, nhu cầu tăng lên đều được đáp ứng bằng tôm nhập khẩu giá rẻ, đẩy tôm tự nhiên nội địa rơi vào thế khó, mất thị phần và giá rớt liên tục. Cùng đó, chi phí sản xuất của các đội tàu khai thác tôm, gồm nhiên liệu, nhân công vẫn không ngừng tăng. Những xu hướng này đã tạo ra tình hình kinh tế khó khăn cho ngành đánh bắt tôm Mỹ và nền kinh tế địa phương trong ít nhất hai thập kỷ qua.

Năm 2023, giá tôm tự nhiên vẫn tiếp tục lao dốc. Dữ liệu sơ bộ từ vịnh Mexico cho thấy doanh thu tôm tự nhiên năm 2022 đạt 329 triệu USD, và giảm 38% xuống 204 triệu USD vào năm 2023 mặc dù sản lượng tôm trong khoảng thời gian này chỉ giảm nhẹ 4% từ 111 triệu pound còn 107 triệu pound. Nhiều ngư dân lo ngại giá tôm lao dốc khiến họ không đủ lời lãi để tiếp tục hoạt động khai thác.

Một số bang vùng Vịnh thực hiện chiến lược thu mua tôm giúp các nhà máy giải phóng hàng tồn kho và khuyến khích ngư dân hoạt động trở lại. Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng phát động chiến dịch phân phối thực phẩm trong nước thông qua các chương trình thu mua tôm và cá da trơn nội địa. Giải pháp ngắn hạn nhưng đã tiếp sức cho ngành tôm nội địa vực dậy sau nhiều khó khăn.

Về dài hạn, NOAA cùng các lãnh đạo trong ngành tìm kiếm giải pháp từ FishWatch và thúc đẩy hoạt động tiếp thị nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Thủy sản Đông Nam của NOAA cũng xem xét thách thức hiện tại và tương lai của ngành khai thác tôm tự nhiên.

Trong Sáng kiến tương lai Tôm, NOAA sử dụng kinh nghiệm cùng kiến thức địa phương để đưa ra tầm nhìn cho ngành tôm trong tương lai, xác định rào cản và khám phá giải pháp tiềm năng. John Walter, Phó Giám đốc khoa học và dịch vụ hội đồng tại Trung tâm Khoa học Thủy sản Đông Nam cho biết: “Ngành tôm tự nhiên của Mỹ nỗ lực giảm thiểu đánh bắt nhầm để hạ thấp tối đa sản lượng khai thác không mong muốn, giữ vững hình ảnh bền vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với tôm nuôi giá rẻ”.

Tuấn Minh
(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!