T3, 19/09/2023 11:16

Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản vẫn giữ vị trí top thị trường tôm Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Xuất khẩu tôm tháng 8/2023 giảm 19% so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, mặt hàng này mang về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, giảm 28%. Trong bối cảnh, thị trường tôm thế giới nhu cầu tiêu thụ sụt giảm và giá thấp nửa đầu năm nay, tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tôm của các thị trường lớn những tháng cuối là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Mỹ

Mỹ luôn nằm top 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam. Giai đoạn 2020 – 2022, Mỹ giữ vị trí số 1 với giá trị nhập khẩu đạt từ 800 triệu USD – trên 1 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm so với năm 2021 do lạm phát tại Mỹ tăng kỷ lục, tồn kho còn nhiều trong khi sức mua giảm, giá tôm xuất khẩu sang Mỹ giảm. 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 299 triệu USD, giảm 38% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Bước sang tháng 7, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 76 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 375 triệu USD, giảm 32%.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm có thể đạt 3.5 tỷ USD năm 2023. Ảnh: Trung Anh

Tính tới 15/8/2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 405 triệu USD, giảm 30%. Tuy giảm liên tục từ đầu năm nhưng đến tháng 7, xuất khẩu sang Mỹ đã ghi nhận tháng tăng trưởng dương đầu tiên so cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc

Tại thị trường này, tôm Việt Nam vẫn chưa thể khai thác được nhiều bởi các mặt hàng giá rẻ từ các quốc gia cạnh tranh. Khép lại năm 2022, quốc gia này ghi nhận khối lượng nhập khẩu kỷ lục khi vượt 500.000 tấn trong nửa cuối năm. Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng có phần thấp hơn nhưng vẫn đạt trên 500.000 tấn.

Với điều kiện kinh tế và thị trường hiện tại của Trung Quốc, lượng nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 khó có thể tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nước này cố gắng đạt được khối lượng nhập khẩu trong nửa cuối năm 2022, thì lần đầu tiên nước này có thể vượt 1 triệu tấn tôm vào năm 2023. Và con số này có thể đạt được khi sản lượng nhập tháng 7 chỉ thấp hơn khá ít so với tháng 7/2022.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông trong tháng 7/2023 đạt 57 triệu USD, tăng 49% so cùng kỳ năm 2022. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 338 triệu USD, giảm 9% so cùng kỳ.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch COVID-19.

Ecuador và Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Đây vẫn là hai đối thủ mạnh của tôm Việt Nam tại thị trường này. Nhu cầu tôm Trung Quốc nửa cuối năm nay dự kiến vẫn tốt nên dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc những tháng cuối năm nay vẫn sẽ khả quan hơn nửa đầu năm.

EU

Hai thị trường Việt Nam đang có ưu thế là EU và Nhật Bản. Trong đó tại EU, bên cạnh tôm đông lạnh nguyên liệu, EU còn nhập khẩu tôm giá trị gia tăng. Danh mục hàng giá trị gia tăng bao gồm tất cả các loài tôm và tất cả các sản phẩm được chế biến nhiều hơn một bước (chẳng hạn như bóc vỏ và hấp chín, hoặc bóc vỏ và tẩm bột). Khoảng 1/3 khối lượng tôm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ châu Á. Phần còn lại chủ yếu là tôm hồng phương Bắc từ các nước như Canada, Mỹ và Na Uy. Ở châu Á, Việt Nam chiếm ưu thế về nguồn cung (khoảng 60%), tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Các nhà chuyên môn nhận định, với lượng hàng tồn kho được báo cáo là thấp hơn so với ở Mỹ, nhập khẩu của EU có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng vào cuối năm nay

Nhật Bản

Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh từ các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, Argentina và Thái Lan. Thái Lan vẫn là nhà cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng lớn nhất cho Nhật Bản. Nhật có lẽ là một trong số ít phân khúc thị trường mà Thái Lan vẫn giữ vị trí quan trọng.

Thị phần giữa các nhà cung cấp của Nhật Bản tương đối ổn định, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ lâu dài của Nhật Bản, các thỏa thuận với nhà cung cấp và đôi khi là cả hoạt động liên doanh với các nhà cung cấp.

VASEP nhận định, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia chi phối nguồn cung tôm nguyên liệu đông lạnh, trong khi Thái Lan, Việt Nam và Indonesia chi phối nguồn cung các sản phẩm giá trị gia tăng sang thị trường Nhật.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!