(TSVN) – Kế hoạch thúc đẩy nuôi cá công nghiệp tại Vịnh Mexico và các vùng biển liên bang của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra nhiệm kỳ đầu đã bị đình chỉ ngay đầu nhiệm kỳ hai bởi vấp phải nhiều phản đối gay gắt.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Ngày 17/3, Thẩm phán liên bang Kymberly K. Evanson (bang Washington) tuyên bố hủy bỏ giấy phép nuôi trồng thủy sản trên toàn quốc do chính quyền Trump ban hành năm 2020. Giấy phép này cho phép xây dựng trang trại cá ngoài khơi đầu tiên tại Vịnh Mexico và mở rộng hoạt động ra các vùng biển bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ. Quyết định được nhiều tổ chức môi trường ủng hộ.
Marianne Cufone, Chủ tịch Hiệp hội trại nuôi trồng thủy sản tuần hoàn tại bang New Orleans, cho rằng không thể áp dụng chung một giấy phép cho toàn bộ vùng biển liên bang vì mỗi nơi có đặc điểm sinh thái khác nhau.
Nuôi cá ngoài khơi bằng lồng nổi bị chỉ trích do ô nhiễm biển và làm cá nuôi xâm nhập vào tự nhiên. Riêng tại Vịnh Mexico, nơi tồn tại “vùng chết” – khu vực thiếu oxy rộng bằng bang New Jersey – việc thả hàng triệu con cá có thể làm tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Nuôi cá đang đe dọa nghiêm trọng ngành đánh bắt thủy sản ở Vịnh Mexico, theo Ryan Bradley, Chủ tịch Hiệp hội thương mại thủy sản Mississippi. Ông cho rằng mô hình này không chỉ gây hại cho môi trường mà còn tạo áp lực cạnh tranh về giá với nguồn hải sản tự nhiên, trong khi ngư dân địa phương chịu nhiều sức ép từ cá nuôi nhập khẩu.
Ngược lại, các bên ủng hộ cho rằng nuôi cá là giải pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu thủy sản ngày càng tăng, nhất là với các loài có giá trị như cá hồi, cá ngừ. Cuối năm ngoái, NOAA chọn năm khu vực ở Vịnh Mexico phù hợp để phát triển nuôi biển. Những vùng tiềm năng gần bờ Texas và Louisiana từng được chính quyền Trump thúc đẩy, nhưng chững lại dưới thời Tổng thống Biden. Gần đây, một quyết định từ bà Evanson đã tạm ngưng quá trình phê duyệt các trang trại cá tại đây.
Cuộc chiến giữa các trại nuôi cá
Kế hoạch xây dựng các trang trại nuôi cá tại Vịnh Mexico từ lâu đã vấp phải nhiều trở ngại do quy trình cấp phép rườm rà, cùng sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường và ngư dân.
Năm 2020, ngành nuôi trồng thủy sản nhận được cú hích lớn khi Trump ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang “xác định và loại bỏ các rào cản pháp lý không cần thiết” đang kìm hãm hoạt động nuôi trồng tại vùng biển liên bang.
Theo đó, Công binh Hoa Kỳ đã cấp phép triển khai nuôi trồng trên gần như toàn bộ vùng biển liên bang. Tuy nhiên, Trung tâm an toàn thực phẩm cùng các tổ chức môi trường đã kiện quyết định này, cho rằng giấy phép không đánh giá đầy đủ các rủi ro đối với chất lượng nước và hệ sinh thái biển, bao gồm cả những loài nằm trong danh sách nguy cấp.
Tháng 10, thẩm phán Evanson – người do Tổng thống Biden bổ nhiệm – ra phán quyết sơ bộ chỉ trích Công binh Hoa Kỳ đã xem nhẹ các tác động môi trường. Trong phán quyết mới nhất, ông tuyên bố hủy bỏ giấy phép quốc gia với lý do không hợp pháp. Các tòa án liên bang đã bác bỏ nỗ lực phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài khơi tại Vịnh Mexico vào các năm 2018 và 2020.
Theo George Kimbrell – Giám đốc pháp lý Trung tâm an toàn thực phẩm – những thất bại pháp lý liên tiếp là tín hiệu rõ ràng cho ngành công nghiệp nuôi biển. “Ngành này không nên tồn tại trong vùng biển của Mỹ,” ông nhấn mạnh.
Dù vậy, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn chưa từ bỏ. Paul Zajicek – Giám đốc điều hành Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia, cho rằng việc mở rộng nuôi cá trong nước là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Ông cho biết năm 2022, người dân Mỹ tiêu thụ gần 7 tỷ pound hải sản, trong đó khoảng 83% là hàng nhập khẩu, gây ra thâm hụt thương mại khoảng 24 tỷ USD.
Ưu tiên nuôi cá trên đất liền
Tại Mỹ, nuôi trồng thủy sản trên đất liền khá phổ biến với các loài như cá da trơn và cá hồi vân, chủ yếu trong ao hồ. Ngược lại, nuôi cá ngoài khơi gần như không tồn tại ở vùng biển liên bang và ngày càng hiếm ở vùng biển do tiểu bang quản lý. Bang Washington từng dẫn đầu nuôi cá hồi, nhưng sau các sự cố cá thoát ra tự nhiên và lo ngại ô nhiễm, dịch bệnh, bang đã ngừng cấp phép từ năm 2022 và cấm hoàn toàn từ tháng 1/2025. Hiện chỉ còn Hawaii có trang trại nuôi cá ngoài khơi duy nhất ở Mỹ.
Trong khi đó, nhiều nước đang đẩy mạnh nuôi thủy sản ngoài khơi. Theo NOAA, Trung Quốc chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Tôm tiêu thụ tại Mỹ chủ yếu nhập từ châu Á và Ecuador, còn cá hồi đến từ Canada, Na Uy và Chile.
Các công ty đã cố gắng phát triển nuôi trồng thủy sản ở Vịnh Mexico hơn 10 năm qua, nhưng chưa có lồng nuôi cá nổi nào với các loài giá trị như cá hồng, cá cam, được triển khai thành công.
Năm 2017, chính phủ liên bang tài trợ một dự án thí điểm cách Sarasota, Florida khoảng 45 dặm, nhưng dự án bị đình trệ sau khi vấp phải gần 45.000 ý kiến phản đối, theo Zajicek. Ông cho biết các trang trại gặp khó khăn do quy trình cấp phép rườm rà, tốn kém và dễ bị trì hoãn bởi các vụ kiện. Tòa án gần đây cho phép doanh nghiệp xin cấp phép từng dự án riêng lẻ. Tuy nhiên, bà Cufone cảnh báo quy trình này sẽ chậm hơn và khắt khe hơn do phải đánh giá kỹ tác động môi trường và cộng đồng.
Tuấn Minh
Theo Thefishsite