(TSVN) – Với việc người tiêu dùng châu u ngày càng bị thách thức bởi lạm phát và sức mua giảm, chỉ còn 2/3 lượng xuất khẩu cá hồi nuôi của Na Uy đến thị trường này vào tháng 1/2023 – tỷ lệ thương mại thấp nhất kể từ năm 1989.
Kết quả là, châu Âu đã mất vị trí là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của quốc gia Scandinavia này, thay vào đó là Mỹ, quốc gia đã công bố mức tăng trưởng 59% trong nhập khẩu cá hồi từ Na Uy trong tháng 1/2023. Theo số liệu mới nhất từ Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC), thị trường Mỹ đã nhập khẩu 1,15 tỷ NOK (111,2 triệu USD) giá trị thủy sản nước này trong tháng 1 vừa qua, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022 dù giảm 4% – tương đương 9.655 tấn – về khối lượng.
Xuất khẩu thủy sản Na Uy sang Mỹ đã tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2023. Ảnh: David Suzuki
Trong khi giá trị của các loài hải sản khác của Na Uy xuất khẩu sang thị trường Mỹ như cá tuyết cod và cá tuyết haddock giảm, thì xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang Mỹ lại tăng mạnh, với doanh thu cá hồi đạt 344 triệu NOK (33,2 triệu USD) và trở thành thị trường cá hồi lớn nhất của Mỹ và Na Uy.
Giám đốc truyền thông NSC Martin Skaug cho biết, nhìn chung, giá cá hồi ở thị trường nước ngoài cao hơn so với châu Âu. “Cá hồi tươi, nguyên con sang Mỹ phần lớn là thị trường thích hợp cho các loại cá lớn hơn, loại cá này được đưa vào phân khúc nhà hàng, trong khi xuất khẩu sang châu Âu bị chi phối bởi thị trường bán lẻ. Điều này giải thích phần lớn sự khác biệt về giá. Ngoài ra, đồng USD đã mạnh lên so với đồng EUR. Giá trên hết là kết quả của cung và cầu. Khối lượng giảm, cả từ Na Uy và các quốc gia sản xuất cá hồi khác, phần lớn giải thích cho sự tăng giá. Đối với thị trường Mỹ, chúng tôi đã nhận thấy nguồn cung giảm từ Chilê và Canada”, ông nói thêm.
Thanh Phương
Theo Seafoodsource