(TSVN) – Năm 2021, Na Uy sản xuất 837 triệu con cá hồi, chiếm 54% sản lượng cá hồi Đại Tây Dương toàn cầu. Nhưng đột phá đầu tiên về nuôi trồng thủy sản xuất hiện từ năm 1970, khi những chiếc lồng nuôi biển đầu tiên được xây dựng.
Bờ biển Na Uy sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi biển nhờ các vịnh kín gió và nhiệt độ nước biển phù hợp. Một trong những lý do khiến nghề nuôi biển ở Na Uy rộng mở là vụ nuôi cá không giới hạn, khác với chăn nuôi gia súc thông thường; ngoài ra, số lượng cá non do mỗi loài cá sinh ra đều cao. Khoảng cách trung bình giữa hai vụ cá hồi là 2 năm, nhanh hơn 60% so với bò thịt và mỗi cá hồi Đại Tây Dương đẻ từ 2000-10.000 trứng, trong khi bò chỉ đẻ 1 con.
Hầu hết các trang trại cá hồi ở Na Uy có quy mô 6-10 lồng trên biển, mỗi lồng có thể chứa 200.000 con cá hồi. Ảnh: Shutterstock
Một nguyên nhân khác khiến ngành công nghiệp cá hồi của Na Uy nở rộ là sản phẩm cá hồi luôn có giá bán cao. Cá hồi không phải là thực phẩm dễ dàng sản xuất tràn lan trên thế giới, trong khi đó nông dân Na Uy có thể nuôi cá hồi với chi phí thấp hơn so với giá trị thị trường. Điều này đồng nghĩa, những người nuôi cá hồi ở Na Uy kiếm được rất nhiều tiền ngay từ những vụ nuôi đầu tiên, do đó, ngành công nghiệp cá hồi luôn có sức hút và phát triển ngày càng nhanh. Trong những năm gần đây, hầu hết các trang trại cá hồi ở Na Uy đều đạt quy mô từ 6 đến 10 lồng trên biển, mỗi lồng có thể chứa tới 200.000 con cá hồi.
Tuy nhiên, phương pháp nuôi lồng không hoàn hảo. Thực chất, đây là hình thức nuôi cá trong lồng lưới dọc theo bờ biển hoặc vùng vịnh. Nhưng nhược điểm là cá nuôi thoát ra môi trường xung quanh, truyền bệnh vào quần thể hoang dã và lai giống với cá hồi tự nhiên. Một số chuyên gia cho rằng, việc lai tạo giữa cá hồi hoang dã với cá hồi tự nhiên có thể khiến thế hệ cá hồi trong tương lai có tuổi thọ ngắn hơn và gây nguy hiểm cho các loài trong khu vực.
Cá hồi Đại Tây Dương tươi tại một khu chợ ở Na Uy. Ảnh: Shutterstock
Tháng 9/2023, chính phủ Na Uy đã đưa ra đề xuất tăng thuế đối với ngành cá hồi 25% nhằm chia sẻ lợi nhuận từ một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Nhiều trang trại gọi ý tưởng này là “thuế cá hồi”. Trong vòng vài giờ, giá cổ phiếu của các công ty cá hồi giảm mạnh, nhất là các doanh nghiệp lớn như Mowi, SalMar và Grieg Seafood. Các chuyên gia cho rằng đánh thuế lên nguồn tài nguyên biển như cá hồi là giải pháp hỗ trợ cộng đồng địa phương và góp phần hạn chế sự tàn phá môi trường biển. Chính phủ Na Uy cho biết, thuế cá hồi không đảm bảo các quy định về môi trường sẽ được thực hiện tốt hơn, nhưng nó có thể cải thiện phân phối thu nhập.
Những công ty lớn ở Na Uy đã nảy ra sáng kiến giải quyết nút thắt của ngành cá hồi. Đơn cử, công ty SalMar gần đây đã xây dựng trang trại nuôi cá hồi ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Na Uy. Phương pháp nuôi ngoài khơi đã được chứng minh tốt hơn đối với sức khỏe của cá hồi nhờ các dòng hải lưu làm giảm mật độ ký sinh trùng, do đó ít, hoặc không gây hại cho cá. Ngoài ra, các trang trại cách xa bờ hơn đồng nghĩa khả năng cá nuôi tương tác với cá hoang dã sẽ thấp hơn nhiều, làm giảm khả năng lai giống và lây lan dịch bệnh.
Bluegreen, một công ty khác ở Na Uy, vừa ra mắt công nghệ Marine Donut, hệ thống khép kín để nuôi cá với dấu chân môi trường ở mức tối thiểu, giúp người dùng kiểm soát tốt hệ số thức ăn, từ đó giảm chi phí vận hành. Một chiếc Marine Donut có thể chứa 1100 tấn sinh khối, và có thể được sử dụng trong tất cả các giai đoạn phát triển khác nhau của cá. Ưu điểm của hệ thống Marine Donut đã rõ ràng, song điều quan trọng là công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và quá mới lạ so với những lồng nuôi truyền thống đã được nông dân Na Uy sử dụng suốt nhiều thập kỷ qua.
Ngành nuôi trồng thủy sản ở Na Uy đã trải qua một hành trình dài phát triển, từ khởi đầu sơ khai vào những năm 1960 và 70 cho đến khi trở thành cường quốc cá hồi với sản lượng 1,4 triệu tấn vào năm 2022. Một trong những khía cạnh đặc biệt của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là định hướng xuất khẩu 95% sản lượng sang hơn 100 quốc gia. Không ngừng thúc đẩy các công ty tiếp tục cải tiến công nghệ nuôi đã giúp Na Uy duy trì vị trí cao nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Hai năm một lần, các công ty hàng đầu đều hội tụ ở sự kiện Aqua Nor tại Na Uy để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ mới nhất của họ. Theo thời gian, những dịch vụ và sản phẩm này ngày càng tiên tiến, cho thấy sự đổi mới không ngừng về công nghệ lẫn khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản của Na Uy. Quốc gia này vẫn đang từng bước bảo vệ ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai theo tiêu chí bền vững môi trường và đổi mới công nghệ.
Tuấn Minh (Theo Fishfarming)