Khi mà áp lực về nguồn cá tăng lên trên toàn cầu, liệu việc nuôi cá có phải là cách tốt nhất nhằm đáp ứng dạ dày thèm chất đạm của người dân thế giới? Dưới đây là câu chuyện nuôi cá hồi để tạo ra một xu hướng ẩm thực mới, tiến tới xóa bỏ nuôi các loài gia súc khác.
Cư dân người Na Uy, Knut Magnus Persson, chả cần đi đâu xa để làm việc. Ông nhẹ nhàng rời ngôi nhà trên đảo Sotra ở miền duyên hải Tây Na Uy, tay xách thức ăn thô, tiến thẳng ra biển. Knut lặn rất cừ, chủ yếu tìm sò điệp, cua, ghẹ và thậm chí hải tảo, rồi chế biến ra các món ăn ngon miệng cho khách hàng. Knut đang kiếm ăn bằng nghề nuôi sò điệp trong những vùng nước trong suốt thuộc một vịnh hẹp của Na Uy, nơi ông sống với gia đình trẻ của mình. Con gái 9 tuổi của Knut vẫn lẽo đẽo theo sau bước chân cha – thu cua ghẹ và bán chúng cho một đầu bếp nhà hàng ở thành phố Bergen lân cận.
Một thế hệ trước, cuộc sống của gia đình Knut cứ bình bình, không có gì khác biệt, nhưng khi dân số loài cá hoang dã ngày một thu hẹp và sự bùng nổ của các trang trại cá đã làm đổi thay ngành công nghiệp thủy sản ở Na Uy cũng như nhiều quốc gia ven biển khác. Ở đây là một sự cân bằng tinh tế giữa nhu cầu từ thị trường đại chúng và hỗ trợ sinh kế, đều phối hợp ăn ý với nhau. Liệu các nước có thể noi gương Na Uy trong việc kiểm soát loài cá hoang dã mà vẫn mở mang mô hình trại nuôi cá?
Hoạt động nuôi gây tranh cãi
Số lượng cá hoang dã mà chúng ta nhận được từ biển khá giới hạn – 90% nguồn cá thế giới đang trong bối cảnh khai thác quá mức. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản được dự báo tăng cao. Na Uy trong số các quốc gia đi đầu về nuôi trồng thủy sản cũng như là nhà sản xuất cá hồi Đại Tây Dương hàng đầu thế giới. Quản lý trại nuôi cá Odd Kallestad đang điều hành một trại cá hồi ở ngoài khơi mũi Tây của duyên hải Na Uy, hoạt động cho nhà sản xuất cá hồi trang trại Đại Tây Dương hàng đầu thế giới, tập đoàn Marine Harvest, suốt 17 năm qua. Hằng ngày, ông Kallestad đi tàu đến nhà lồng cá hồi, nơi có 10 lồng cá hồi khổng lồ, nuôi dưỡng 1 triệu con cá đến thời kỳ trưởng thành. Nhưng nuôi cá hồi trang trại cũng là một ngành kinh doanh gây tranh cãi.
Khoảng 95% sản phẩm nuôi trồng thủy sản của Na Uy dùng để xuất khẩu – Ảnh: Bloomberg.com
Các vấn đề môi trường như sản phẩm thải trong các vùng biển địa phương và việc cá nuôi thoát ra ngoài môi trường hoang dã, là những vấn đề đáng quan tâm. Cho đến nay, vấn đề lo ngại nhất trong kỹ nghệ nuôi cá hồi thương phẩm ở Na Uy là sự nhiễm rận biển. Rận biển là một dạng ký sinh trùng phổ biến, có xu hướng di chuyển từ cá nuôi và cá hoang dã, nhưng số lượng đông nhất là cá hồi nuôi trong nhà lồng. Rận biển gây hại cho cá hồi và phá hoại dân số cá hồi hoang dã, nếu chúng vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong quá khứ, người ta đổ thuốc vào thức ăn cho cá ăn, nhưng gần đây rận biển đã tỏ ra đề kháng với hóa chất. Hãng Marine Harvest đang cố gắng giảm thiểu việc rận biển phá hoại bằng việc áp dụng loại cá chùi hồ chuyên ăn rận biển từ cá hồi.
Tương lai lâu dài của cá hoang dã
Các nhà khoa học chịu trách nhiệm giám sát lượng cá hoang dã tại các đại dương, nhất trí rằng một mình cá hoang dã không thể duy trì bền vững cho đà tăng dân số thế giới quá nhanh. Ông Harald Gjosaeter, một trưởng khoa tại Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy (IMR), người đã tham gia nghiên cứu nguồn cá hoang dã thế giới suốt hơn 30 năm vừa qua. Trong khi một số nguồn cá hoang dã thế giới, như loài cá tuyết ở biển Barents đang giữ ở mức cao chưa từng thấy kể từ cuối Thế chiến hai, thì ông Harald lại tỏ ra quan ngại về tương lai dài hạn của nguồn cá hoang dã. Ông Harald phân vân: “Bạn không thể đánh bắt con cá thu, con cá tuyết cuối cùng. Vì bạn có thể hủy diệt nguồn cá. Nhưng một mình chúng cũng không thể sản xuất đủ lương thực để nuôi sống loài người”.
Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với nhiều nguồn cá trên toàn thế giới?. Nhưng ông Elling Lorentzen, một cố vấn cao cấp tại Hội Ngư nghiệp Na Uy (NFA), quả quyết rằng hoàn toàn có đủ cá để đảm bảo nguồn đánh bắt hoang dã trong tương lai, khi họ hoạt động theo thông lệ mới.
Minh chứng sống động
Anh Christopher Haatuft đang điều hành một nhà hàng thủy sản cao cấp ở Bergen. Anh mua sản phẩm từ cha con ông Knut. Christopher là một phần của làn sóng văn hóa ẩm thực mới đang thịnh hành ở Na Uy, nơi các bếp trưởng hàng đầu đang khai thác sự đa dạng nguồn thủy sản từ các trại cá. Christopher nhắm mục tiêu sử dụng mọi thứ từ biển, gồm cả cá tự nhiên, mọi loài thủy sản thân mềm và cả hải tảo. Ông chủ nhà hàng nói: “Tôi muốn trở thành một minh họa sống động về một nhà hàng thủy sản có thể kinh doanh ở Na Uy – không phải thứ thị trường muốn. Họ muốn tôi bán món cá hồi – Nếu tôi làm được, sẽ có nhiều tiền, nhiều lợi tức và nó sẽ bắt nhịp với phần còn lại của ngành công nghiệp thủy sản”. Mặt khác, Christopher muốn dùng tiền kiếm được để giúp nghề nuôi cá quy mô nhỏ ở Na Uy.
>> Khoảng 100.000 ngư dân Na Uy không còn đi biển so với thập niên 1940. Hiện có hơn 6.000 tàu đánh cá được đăng ký ở Na Uy, giảm 13.000 tàu tính từ đầu thế kỷ 21. Sản phẩm cá biến Na Uy thành nhà xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới, đạt kim ngạch hơn 9 tỷ USD/năm. Khoảng 95% sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản của Na Uy dùng để xuất khẩu. Năm 2014, tàu cá Na Uy đã đánh bắt 2,3 triệu tấn cá, động vật thân mềm và giáp xác. |