(TSVN) – Cơ quan An toàn thực phẩm Na Uy đã phê duyệt dầu hạt cải canola biến đổi gen làm thức ăn cho cá hồi, với hy vọng tháo gỡ phần nào nút thắt nguồn cung dầu cá omega-3 đang khan hiếm và thiếu bền vững.
Sản xuất dầu cải canola biến đổi gen có tiềm năng mở rộng trong tương lai. Ảnh: ISAAA
Các nhà khoa học cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Thực phẩm và Nuôi trồng thủy sản Na Uy (Nofima) đã nghiên cứu trong nhiều năm để tìm hiểu cách thức tăng cường hàm lượng omega-3 trong cơ thể cá hồi. Bente Ruyter, một trong số các nhà khoa học của Nofima đã lựa chọn một “ứng cử viên tiềm” năng là dầu cải canola biến đổi gen để thay thế các loại axit béo omega-3 từ cá biển.
Ruyter cho biết: “trước khi tìm đến cải canola biến đổi gen, chúng tôi đã dày công nghiên cứu và đánh giá suốt nhiều năm. Cải canola là một biến thể của cải thông thường. Cây cải canola do Nofima nghiên cứu đã được biến đổi gen và phát triển bởi tổ chức nghiên cứu CSIRO của Australia và công ty Nuseed. Theo đánh giá, cải canola chứa nhiều axit béo omega-3 cần thiết cho cá hồi để duy trì sức khỏe. Đồng thời, loại omega-3 này cũng rất hữu ích đối với sức khỏe của con người”.
Lượng omega-3 trong thức ăn của cá hồi giảm quá thấp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Ảnh: ISAAA
Phần dầu được chiết xuất từ hạt cải canola và không chứa bất kỳ chất liệu di truyền nào của cây cải đã biến đổi gen. Nofima giải thích rằng, cá hồi nuôi rất khó đạt được hàm lượng axit béo omega-3 EPA và DHA ở mức cao. Trong khi đó ở môi trường tự nhiên, cây tảo biển lại vô cùng dồi dào hai loại dưỡng chất này. Khi động vật giáp xác ăn vi tảo này, rồi cá lại ăn giáp xác và hấp thụ được một lượng lớn EPA và DHA.
Dựa trên thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã đưa gen của vi tảo vào cây cải canola để nó cũng tạo ra các axit béo tương tự. Khi sử dụng dầu cải này trong thức ăn cho cá hồi, các nhà khoa học phát hiện cá phát triển tốt hơn, hấp thụ nhiều omega-3 hơn, giảm sắc tố đen trên da và phần thịt có màu đỏ bắt mắt hơn.
Ruyter nói, hoạt động khai thác cá để sản xuất dầu không bền vững, do đó, nguồn cung sản phẩm này ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ từ ngành nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng. Năm 2000, 30% thức ăn của cá hồi chứa dầu cá. Năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống 10%. Nghiên cứu của Nofima cho thấy, lượng omega-3 trong thức ăn của cá hồi giảm quá thấp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi và làm fillet kém sắc hơn. Do đó, ngành công nghiệp cá hồi Na Uy buộc phải tăng trở lại hàm lượng axit béo omega-3 trong thức ăn.
Theo Ruyter, sản xuất dầu cải canola biến đổi gen có tiềm năng mở rộng trong tương lai, và loại dầu thực vật này sẽ trở thành nguồn cung omega-3 mới quan trọng trong thức ăn của cá. Trước khi dầu cải canola được phê duyệt làm thức ăn cho cá hồi, các nhà khoa học của Nofima, Nuseed và Mowi đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm trong môi trường nước ngọt, bể kín và cuối cùng là lồng lưới trên biển.
Tuấn Minh
(Theo Fishfarming)