Na Uy: Tăng gấp đôi xuất khẩu thủy sản sang Đông Nam Á từ năm 2020

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhu cầu tiêu dùng thủy sản tăng mạnh, cùng với đồng krone (NOK) suy yếu đã thúc đẩy giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm của Na Uy sang Thái Lan và Việt Nam tăng tương ứng 103% và 113% kể từ năm 2020.

Sức tăng ấn tượng

Sau 3 năm thành công ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản của Na Uy tại các thị trường Đông Nam Á tiếp tục tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2024. Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng thủy sản Na Uy (NSC), giá trị xuất khẩu thủy sản của Na Uy sang khu vực này tăng 90% trong 4 năm 2020 – 2023, lên 28,2 tỷ USD (2,67 tỷ USD). Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất với sức tăng 103%, Việt Nam đứng thứ hai với 113%. Xuất khẩu sang Đài Loan, Singapore, Philippines và Malaysia cũng tăng trưởng tương ứng 72%, 65%, 169% và 83%.

Cá hồi tươi Na Uy được bán tại cửa hàng thực phẩm ở Thái Lan. Nguồn: Masahiko Takeuchi

Theo báo cáo của ông Rørtveit, nhu cầu cá hồi di cư và không di cư của Na Uy tại Đông Nam Á có xu hướng tăng kể từ sau đại dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu cá hồi di cư đạt 13 tỷ NOK, cá hồi không di cư đạt 2 tỷ NOK trong năm 2023, tăng tương ứng 1% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá hồi sang Thái Lan đạt 6.500 tấn, trị giá 800 triệu NOK, tăng 9% về lượng và 111% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Những thị trường “dễ tính”

“Thái Lan là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, người Thái Lan lựa chọn cá hồi để nấu ăn tại nhà và đưa vào thực đơn nhà hàng bởi sản phẩm này ngày càng có giá phù hợp túi tiền tiêu dùng. Chúng tôi tham gia các lễ hội và sự kiện ẩm thực để tìm kiếm cơ hội; đồng thời tập trung đầu tư vào các chuỗi cung ứng lạnh để giữ sản phẩm luôn tươi ngon, đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình phân phối”, ông Peter Tong, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Mowi – nhà sản xuất cá hồi lớn nhất Na Uy – cho biết.

Tại Singapore – thị trường vốn có nền tảng tiêu dùng hải sản, nhu cầu đối với cá hồi Na Uy vẫn luôn mạnh mẽ. Những cải tiến và các nền tảng thương mại sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu cá hồi Na Uy trong tương lai.

Theo ông Tong, sự tăng trưởng dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và Malaysia là nguyên nhân giúp tiêu thụ cá hồi Na Uy tại hai quốc gia này ngày càng lớn. Ngoài ra Na Uy cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu cá thu và cá saba (cá thu Đại Tây Dương) sang Việt Nam và Thái Lan. “Việt Nam là đất nước mạnh về tái chế biến cá saba cho Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Thái Lan đang trở thành thị trường tiêu thụ”, ông Jan Otto Hoddevik, đồng sáng lập Global Fish cho biết.

Với sức tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu cá hồi Na Uy trong thời gian qua, NSC đã quyết định phân bổ 35,4 triệu NOK (3,4 triệu USD) cho khu vực Đông Nam Á trong năm 2024, tăng 9 triệu NOK so với năm 2019. Như vậy, tổng ngân sách năm 2024 cho Đông Nam Á bao gồm 12 triệu NOK cho hoạt động tiếp thị cá hồi tại Thái Lan, 3 triệu NOK tại Đài Loan và 6,6 triệu NOK tại Việt nam.

An Vy

(Theo UCN)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!