(TSVN) – Chính phủ Na Uy thông báo tăng hạn ngạch cua tuyết vào năm 2024 lên 10.300 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời cũng đặt ra một số quy định đối với các đối tượng tham gia đánh bắt.
Hiện, EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu cua tuyết chính của Na Uy, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng. Theo thống kê, trong năm 2023, Na Uy xuất khẩu 2.476 tấn cua tuyết sang Mỹ, tăng so với mức 1.169 tấn của năm 2022; EU với 2.310 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương Na Uy, bà Cecilie Myrseth cho biết, số lượng cua tuyết tại Na Uy đã tăng trở lại và dự kiến trong năm 2024, sản lượng cua tuyết sẽ tăng lên đáng kể. Theo đó, nước này sẽ tăng hạn ngạch cua tuyết vào năm 2024 lên 10.300 tấn, cao hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy công bố hạn ngạch đánh bắt cua tuyết năm 2024.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy cũng đã đưa ra khuyến nghị kéo dài thời gian bảo vệ cua tuyết thêm một tháng, từ 1/7 – 30/11/2024 thay vì từ ngày 1/7 – 30/10/2024. Mục đích là để bảo vệ cua tuyết trong giai đoạn thay vỏ và tăng lượng thịt cua, nhằm tối ưu giá trị của sản phẩm. Sau đó, kể từ 1/1/2025, Na Uy sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch hạn chế một số doanh nghiệp tham gia các hoạt động đánh bắt.
Bà Myrseth cho biết: “Việc thắt chặt các quy định về đánh bắt cua tuyết nhằm đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do các hoạt động khai thác quá mức trong cùng một khu vực”.
Theo quy định mới này, chỉ những doanh nghiệp đã tham gia đánh bắt liên tục 2 năm trong giai đoạn 2020, 2021 và/hoặc 2022 mới có thể tiếp tục trong năm 2025. Tuy nhiên, các công ty đã đầu tư để chuyển sang đánh bắt cua tuyết sẽ được cân nhắc miễn trừ áp dụng quy định mới này. Ngoài ra, kể từ năm 2025, 10% tổng hạn ngạch khai thác cua tuyết tại Na Uy dành cho cua tuyết sống.
Chính phủ Na Uy cho biết, nếu tổng hạn ngạch khai thác cua tuyết tăng hơn 10% trong vài năm tới, chính phủ sẽ xem xét mở rộng phạm vi đối tượng đánh bắt và tăng tổng hạn ngạch đối với cua tuyết sống.
Lan Khuê
(Theo Undercurrent News)