Na Uy: Xung đột Nga – Ukraine tác động đến xuất khẩu động vật có vỏ trong tháng 3

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC), cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã gây ra những tác động đối với các nhà xuất khẩu động vật có vỏ của Na Uy, khi các dòng chảy thương mại toàn cầu đang được vẽ lại.

Theo đó, xuất khẩu cua hoàng đế sống sang châu Á trong tháng 3 giảm 74% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2021. “Điều này là do không phận của Nga bị đóng cửa, lượng cua huỳnh đế sống đến Bắc Mỹ tăng và xuất khẩu đông lạnh sang châu Âu tăng lên 94%”, NSC cho biết. Tổng khối lượng xuất khẩu trong tháng 3 giảm 37% so với cùng kỳ, nhưng giá cao hơn đáng kể khiến giá trị xuất khẩu tăng 14% lên 82 triệu NOK (9,3 triệu USD) trong tháng. Na Uy đã xuất khẩu tổng cộng 399 tấn cua huỳnh đế với giá 248 NOK trong quý đầu tiên của năm 2022, đánh dấu lượng xuất khẩu giảm 43%, trong khi giá trị không đổi.

Bà Josefine Voraa, Quản lý về động vật có vỏ của NSC cho biết: “Rất nhiều cua huỳnh đế Nga vào thị trường châu Á hồi đầu năm, các hạn chế về vi sinh vật, tỷ lệ nhiễm bệnh ngày càng tăng và việc vận chuyển hàng không đến châu Á gặp nhiều thách thức đã dẫn đến sự chuyển hướng xuất khẩu cua huỳnh đế sống từ châu Á sang Bắc Mỹ”. Mỹ là thị trường tiêu thụ cua hoàng đế lớn nhất của Na Uy trong quý I/2022, tiếp theo là Hà Lan, Hàn Quốc.

Ngược lại, xuất khẩu cua tuyết đã tăng trưởng nhanh chóng. NSC cho biết Na Uy đã xuất khẩu 479 tấn cua tuyết, trị giá 99 triệu NOK trong tháng 3, tăng lần lượt là 5% và 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, mặc dù Mỹ chiếm 38% tổng lượng xuất khẩu trực tiếp trong quý I, nhưng tăng trưởng xuất khẩu cua tuyết lại cao nhất ở các thị trường trung chuyển châu Âu như Đan Mạch và Hà Lan.

“Tại Mỹ, nhu cầu thấp hơn một chút so với cùng thời điểm năm ngoái do lượng cua tuyết tồn kho nhiều, sự không chắc chắn liên quan đến hạn ngạch năm nay ở Canada và hậu quả của lệnh cấm nhập khẩu cua Nga của Mỹ”, bà Voraa cho biết.

Ngoài ra, Na Uy cũng đã xuất khẩu 797 tấn tôm nước lạnh, trị giá 65 triệu NOK trong tháng này, giảm 31% về lượng và giảm 26% về giá trị so với tháng 3/2021, phản ánh sự sụt giảm mạnh xuất khẩu tôm lột vỏ đông lạnh sang Anh trong tháng.

Xuất khẩu tôm sú sang Thụy Điển, thị trường lớn nhất của Na Uy, cũng ở mức thấp trong quý do ảnh hưởng bởi doanh số bán hàng chậm hơn vào đầu năm và nguồn cung tôm cua tươi ra khỏi Na Uy giảm do sản lượng nhập khẩu thấp hơn.

Tuy nhiên, từ số liệu của tháng 3, có thể thấy rằng thị trường Thụy Điển đang “trên đường trở lại”. Theo NSC, xuất khẩu tôm lột vỏ đông lạnh tăng 50% về khối lượng ngay cả khi nguồn cung nguyên liệu thấp đối với tôm tươi nguyên vỏ.

Hải Phong

Theo Undercurrent News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!