T2, 06/07/2020 09:48

Nafiqad lưu ý an toàn vệ sinh hàng thủy sản xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngay sau khi Úc thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam thì đến lượt Cơ quan nhà nước và thú y Ucraina cho biết chỉ đồng ý 10/30 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà cơ quan này trực tiếp kiểm tra. Và theo Nafiqad, trong thời gian tới vấn đề này sẽ không dừng lại ở những quốc gia nói trên.

Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad) cho biết, trước khi quyết định doanh nghiệp nào được phép xuất khẩu thủy sản vào Ucraina thì Cơ quan nhà nước và thú y Ucraina đã cử đoàn kiểm tra sang Việt Nam và trong số 30 doanh nghiệp nằm trong lịch kiểm tra của cơ quan này chỉ có 10 doanh nghiệp đạt chuẩn.

“Phía Ucraina chỉ đưa ra con số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn và chưa cung cấp cho Nafiqad số liệu kiểm tra của họ, vì thế Nafiqad rất khó khăn khi giải thích cho 20 doanh nghiệp còn lại”, ông Hào cho biết qua điện thoại.

Theo Nafiqad, Ucraina là một trong những thị trường hứa hẹn sẽ tiêu thụ mạnh thủy sản của Việt Nam trong những năm tới nên đã có 129 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào đây. Nhưng với việc siết chặt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thì rất khó để các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường nước này.

Đa số trong 10 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Ucraina là những công ty có quy mô lớn, có nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn ISO, vì vậy việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn trong các khâu chế biến.

Nafiqad cũng cho rằng, các công ty chế biến thủy sản nhỏ do tiềm lực tài chính có hạn, không có thương hiệu nên thường phải chế biến theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu. Cụ thể, khi thủy sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu vào Nga trong năm 2009 thì một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ mạ băng quá cao, từ 20 – 30% (tỷ lệ nước chiếm 20 – 30% trong 1kg sản phẩm) và trường hợp này cũng xảy ra tương tự tại Úc. Nhiều doanh nghiệp cho biết, do chế biến gia công nên phải tuân theo tỷ lệ mạ băng của nhà nhập khẩu, tỷ lệ này cao hơn 15 – 25% so với bình thường.

Giám đốc một công ty (xin dấu tên) có tên trong danh sách 10 doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào Ucraina cho biết, hiện có khoảng 193 nhà máy chế biến nguyên liệu mà phần lớn những nhà máy mới này được xây dựng trong vài năm trở lại đây (lúc mà cá tra đang lên cơn sốt vào năm 2007, 2008). Sau đó, xuất khẩu cá tra gặp khó khăn nên để tồn tại các nhà máy này chấp nhận chế biến các sản phẩm cá tra theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu.

“Các nhà nhập khẩu vì mục đích lợi nhuận đã yêu cầu tăng tỷ lệ mạ bằng lên cao 20 – 30%. Ngoài ra, tôi biết một số nhà nhập khẩu thủy sản còn đóng gói, dán nhãn trở lại trước khi bán cho người tiêu dùng nên việc lây nhiễm của vi sinh vật dễ xảy ra. Khi cơ quan thú y các nước này kiểm tra thì doanh nghiệp lãnh đủ”, vị giám đốc này nói.

Trong một hội nghị tổng kết xuất khẩu cá tra diễn ra cuối năm 2010, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad từng cảnh báo các doanh nghiệp rằng, năm 2011, các nước nhập khẩu thủy sản sẽ lập hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong đó, an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những hàng rào kỹ thuật mà các nước này dễ áp dụng nhất. Hiện, Ucraina và Úc là bằng chứng cho lời cảnh báo đó.

Hiện thủy sản Việt Nam xuất khẩu đến 163 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, với hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tại những thị trường lớn như Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Ai Cập thì đã hơn một lần bị “cấm” vì liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngọc Hùng

(Theo TBKTSG – 27/01/2011)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!