Năm 2012 – Ngành tôm còn nhiều chông gai

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, ngành tôm Việt Nam ước tính đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2,2 tỷ USD. Dù con tôm “bơi” chưa đến đích chỉ tiêu 2,4 tỷ USD nhưng đã cho thấy nỗ lực lớn của toàn ngành trong một năm đầy khó khăn.

Một năm khó quên

Người nuôi tôm còn nhớ, ngay từ đầu năm, dịch bệnh trên tôm xảy ra với mức độ ngày càng nguy hiểm. Bên cạnh những bệnh thường gặp như: đốm trắng, đầu vàng, Taura… còn xuất hiện thêm một loại bệnh mới gây chết tôm hàng loạt ở giai đoạn 20 – 40 ngày sau khi thả giống, gây thiệt hại lớn cho người nuôi (được gọi là Hội chứng chết sớm (EMS)/Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS). Các cơ quan chức năng, nhà khoa học vào cuộc tìm kiếm nguyên nhân với nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó có việc sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc Cypermethrin diệt giáp xác trong ao nuôi. Việc quản lý Cypermethrin được thực hiện chặt chẽ ngay sau đó nhưng tôm nuôi vẫn chết, người dân lo lắng hoang mang, nhà khoa học đau đầu. Nhìn ra thế giới, nhiều nước nuôi tôm từng bị loại dịch bệnh này cũng đã bó tay. Theo thống kê, năm 2012 cả nước có khoảng 100.776 ha nuôi tôm bị thiệt hại, tập trung tại các tỉnh ĐBSCL.

Năm 2012, rào cản thương mại Ethoxyquin khiến tôm Việt Nam gặp khó – Ảnh: Vũ Bảo

Trong khi dịch bệnh đang “nóng” với người nuôi tôm thì việc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định áp dụng chế độ kiểm tra 30% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức giới hạn tối đa về Ethoxyquin là 0,01 ppm khiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước lao đao.  So với mức giới hạn Ethoxyquin của EU, Mỹ thì quy định này của Nhật Bản là một rào cản thương mại, gây khó khăn lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi phải tăng chi phí kiểm tra, đặc biệt là nguy cơ mất thị trường. Không chỉ người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh mà ngay cả với người nuôi tôm hùm thì năm nay cũng là một năm buồn bởi mất giá, có thời điểm giá tôm hùm thương phẩm chỉ bằng 1/3 so mọi năm.

 

“Kịch bản” 2013

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xuất khẩu tôm năm 2013 của Việt Nam có thể đạt 2,4 tỷ USD nếu giải quyết được 4 thách thức nổi cộm: dịch bệnh, cạnh tranh tôm nguyên liệu, thị trường và rào cản Ethoxyquin. Theo đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng nuôi, quản lý con giống, chất lượng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, thức ăn, ổn định giá của tôm nguyên liệu… Về lâu dài, cần tạo ổn định an sinh xã hội, sự bền vững của môi trường và nghề nuôi tôm chứ không chỉ là những con số, những mục tiêu được đề ra mỗi năm. Khó khăn năm nay và những năm tiếp theo có thể chưa dừng lại, vì vậy ngành tôm rất cần những “kịch bản” tốt để vượt qua.

>> Dự kiến năm 2013, diện tích nuôi tôm của cả nước sẽ đạt 655.000 ha, sản lượng 530.000 tấn, giảm 0,4 % về diện tích nhưng tăng 11,24% về sản lượng so với năm 2012.

Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!