Năm 2023, giá trị xuất khẩu nông nghiệp phấn đấu 55 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 13/1/2023, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Hội nghị.

Năm 2022, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng hành của các cơ quan truyền thông đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, toàn diện, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia.

Toàn ngành đã tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vươn lên, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Vì vậy, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36% (nông nghiệp tăng 2,88%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%); kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD.

Trong đó, tổng sản lượng thủy sản 9,03 triệu tấn, tăng 2,7% (khai thác trên 3,86 triệu tấn, giảm 1,8%; nuôi trồng 5,16 triệu tấn, tăng 6,3%), kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong năm 2022, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; bên cạnh đó giá thức ăn chăn, phân bón… tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Cùng đó, mặc dù có rất nhiều nỗ lực, cố gắng; nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành nông nghiệp. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy vậy, toàn ngành đã quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo trong bối cảnh dịch COVID-19. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình kinh tế xã hội, dịch bệnh, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Cùng đó, quyết tâm, quyết liệt tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp; lựa chọn những khâu trọng yếu, những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên; cải cách thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống, an sinh của người dân, quán triệt tinh thần “Phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2023, toàn ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%…

Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 4%; tổng sản lượng 9,05 triệu tấn; trong đó nuôi trồng 5,4 triệu tấn, khai thác khoảng 3,7 triệu tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 280 triệu đồng; giải quyết triệt để các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Bước sang năm 2023, Thủ tướng Chính phủ nhận định, bối cảnh thế giới sẽ có nhiều thách thức hơn như: xung đột quân sự Nga – Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trước những khó khăn toàn cầu đã thấy rõ, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần nắm chắc tình hình trong nước và thế giới để điều hành sản xuất linh hoạt; gắn sản xuất với thị trường, chế biến, giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản. Bởi, có thương hiệu mới thâm nhập được thị trường, mới tăng được năng suất lao động…

Thủ tướng cũng giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 55 tỷ USD. Cùng đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa, du lịch…

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!